Xây dựng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 02/04/2017

(HNM) - Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn Hà Nội theo hướng hiện đại, giảm tổn thất điện năng xuống dưới 8%, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Mai Chí Hùng.


Bán điện trực tiếp đến hộ dân

- Từ ngày 1-8-2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, khu vực nông thôn cũng rộng lớn hơn, tạo ra những thách thức mới đối với EVN Hà Nội?

- Trước khi mở rộng địa giới hành chính, hầu hết các hộ dân ngoại thành thuộc tỉnh Hà Tây cũ phải mua điện qua các hợp tác xã, lưới điện phần lớn đã xuống cấp, tổn thất điện năng cao, làm tăng giá thành sản phẩm và người sử dụng điện phải chịu thiệt. Vì thế, việc triển khai đề án điện nông thôn theo Nghị quyết số 22/2008/ NQ-HĐND ngày 11-12-2008 của HĐND thành phố về việc phê duyệt đề án điện nông thôn giai đoạn 2008-2012 vào thời điểm ấy rất cấp bách, với mục tiêu chính là: Phát triển hệ thống điện nông thôn theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; chuyển giao lưới điện tại những nơi tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ điều kiện hoạt động cho EVN Hà Nội quản lý bán điện đến hộ dân. Quan trọng hơn là phải huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn cả trung và hạ áp, đáp ứng nhu cầu điện đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ngoại thành; từng bước đưa giá bán điện đến hộ dân đúng bằng mức giá Chính phủ quy định.

- Hạ tầng lưới điện cũ nát, tổn thất điện lớn lại phải mua điện qua trung gian nên giá thành cao. Vấn đề này đã được giải quyết như thế nào sau khi có đề án điện nông thôn, thưa ông?

- Để thực hiện thành công Nghị quyết số 22, UBND thành phố ban hành kế hoạch cụ thể, yêu cầu các cấp, ngành phối hợp thực hiện. EVN Hà Nội coi việc triển khai đề án điện nông thôn là trách nhiệm và nghĩa vụ với nông dân các xã ngoại thành nên ngay sau khi đề án được phê duyệt, EVN Hà Nội đã nhanh chóng đầu tư, cải tạo lưới điện hạ thế ở 13 xã miền núi khó khăn, gồm: Yên Bài, Ba Trại, Vân Hòa, Minh Quang, Tản Lĩnh, Ba Vì thuộc huyện Ba Vì; An Phú thuộc huyện Mỹ Đức; Phú Mãn, Cấn Hữu, Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai và Tiến Trung, Yên Trung, Yên Bình thuộc huyện Thạch Thất. Đồng thời, giao các Công ty Điện lực trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện với từng hộ dân, chấm dứt nạn "cai đầu dài" đã tồn tại hàng chục năm ở các xã ngoại thành. Bên cạnh đó, EVN Hà Nội hỗ trợ đầu tư đường dây từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện của các hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hà Nội có 17 huyện và thị xã Sơn Tây, với 405 xã, thị trấn (không tính 8 phường của thị xã Sơn Tây) thuộc vùng nông thôn. Sau khi hoàn thành đề án điện nông thôn giai đoạn 2008-2012 và kế hoạch điện nông thôn giai đoạn 2013-2015, hệ thống lưới điện nông thôn TP Hà Nội được cải tạo, nâng cấp hiện đại hơn, cơ bản bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu cấp điện sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, chất lượng điện năng được cải thiện, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% xuống còn 8% - 10%. Tính đến hết ngày 30-6-2016, EVN Hà Nội đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp tại 243 xã và tiếp nhận một phần tại 17 xã, bán điện trực tiếp đến 594.242 hộ dân; bảo đảm các tiêu chuẩn của tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa lưới điện

- Không phủ nhận những kết quả đạt được thời gian qua, tuy nhiên, tại nhiều xã, bà con phản ánh vẫn còn tình trạng cấp điện chưa ổn định, chất lượng không bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Trong khi, điện năng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Hiện, trên địa bàn thành phố, ngoài EVN Hà Nội còn có 56 tổ chức kinh doanh điện nông thôn, quản lý phân phối và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân. Mặc dù đã được đầu tư cải tạo nhưng hệ thống lưới điện nông thôn vẫn chưa đồng bộ và hiện đại; vẫn còn nơi tỷ lệ tổn thất điện năng cao, bán kính cấp điện xa, chưa bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu phát triển sản xuất vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi tập trung của nhân dân. Ngoài ra, công tơ đo điện phổ biến là công tơ cơ, độ chính xác chưa cao; dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp (dự án RE2) thực hiện không đúng tiến độ làm ảnh hưởng hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp.

- Vậy sắp tới việc đầu tư phát triển lưới điện nông thôn của EVN Hà Nội được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Giai đoạn 2013-2015, EVN Hà Nội đã đầu tư cho lưới điện nông thôn TP Hà Nội hơn 1.363 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư khoảng 2.267 tỷ đồng, với quy mô xây dựng mới 869 trạm biến áp (TBA), tổng dung lượng 276.312 kVA, đồng thời tiếp tục cải tạo sửa chữa nâng cấp hệ thống điện hạ thế.

Trong đó, vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (kFW) là 517,36 tỷ đồng để cải tạo lưới điện nông thôn khu vực Tây Hà Nội. Vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 63,65 tỷ đồng, sẽ cải tạo lưới điện nông thôn khu vực Tây - Nam Hà Nội. Vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội là 295,10 tỷ đồng, để đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp đã được đầu tư. Phần vốn vay tín dụng thương mại và các nguồn vốn khác là 1.391 tỷ đồng…

Hiện, EVN Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình, theo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Công Thương, dự án đầu tư lưới điện trung áp tại 71/84 xã của 16 huyện, thị xã gồm: Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh. Theo đó, xây dựng mới 178 TBA với tổng công suất 70.390 kVA và 77,680km đường dây trung áp; nâng công suất 47 TBA với tổng công suất tăng thêm 11.330 kVA, có tổng mức đầu tư là 355,984 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng mới hơn 54km đường dây và hơn 4,4km cáp ngầm; xây dựng mới 184 TBA với tổng công suất 76.640 kVA, cải tạo nâng công suất 44 TBA với tổng công suất tăng thêm 23.720 kVA. Tổng mức đầu tư của dự án này là 295,099 tỷ đồng.

- Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội còn giao cho EVN Hà Nội bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện tại các xã nông thôn mới, vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi tập trung. Xin ông cho biết tiến độ công việc trên?


- Đối với xã nông thôn mới, vùng chuyên canh, EVN Hà Nội lập kế hoạch để bố trí vốn xây dựng hạ tầng điện nông thôn theo tiến độ quy hoạch phát triển điện lực được duyệt; nghiên cứu áp dụng thí điểm ứng dụng công nghệ mới sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời) cho việc chiếu sáng các tuyến đường nông thôn. Chúng tôi đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát, khảo sát những khu vực dân cư nông thôn bị thiếu nguồn, những khu vực sản xuất chuyên canh để lập kế hoạch đầu tư các TBA phân phối theo đúng quy định, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân và đáp ứng tiêu chí số 4 về điện cho nông thôn mới.

Trong các năm qua, EVN Hà Nội đã đầu tư bổ sung thêm các TBA cho các vùng chuyên canh, dồn điền đổi thửa, đáp ứng phát triển sản xuất của nông dân các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Quốc Oai.

- Còn việc bàn giao lưới điện nông thôn để EVN quản lý bán điện thì sao? Được biết, hợp đồng tín dụng giữa Sở Tài chính Hà Nội và các công ty điện lực tiếp nhận lưới điện hạ áp (được đầu tư từ dự án RE2) tại các xã chuyển giao cho EVN Hà Nội quản lý và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân năm 2015 chưa bảo đảm tiến độ, dẫn đến việc trả nợ vốn vay không đúng thời hạn. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Từ năm 2016, EVN Hà Nội đã triển khai kế hoạch bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn thuộc Dự án năng lượng nông thôn 2 (RE2.1); nhận chuyển giao lưới điện do các tổ chức kinh doanh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện lực theo quy định để quản lý bán điện.

Còn vướng mắc trong tiếp nhận lưới điện hạ áp được đầu tư từ dự án RE2 chủ yếu do các bên không thống nhất trong việc áp dụng Quyết định 3239/QĐ-UBND ngày 2-7-2010 về phương án cho vay và thu hồi vốn vay dự án năng lượng nông thôn 2 Hà Nội. Vì vậy, EVN Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, các cấp, ngành phải có quy hoạch rõ ràng các vùng chuyên canh, chuyên cư phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt, để EVN Hà Nội làm căn cứ thực hiện. Vì các dự án đầu tư của EVN Hà Nội phải tuân theo các thủ tục và quy định về đầu tư, cũng như phải bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Để việc giao nhận lưới điện nông thôn đúng tiến độ, Sở Công Thương, Sở Tài chính cần có kế hoạch bàn giao các xã không đủ điều kiện hoạt động điện lực, không đủ khả năng tài chính và 17 tổ chức có công trình điện đầu tư trước ngày 12-2-2009 (thuộc đối tượng bàn giao theo quy định tại Mục 3, Điều 1 của Thông tư 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4-12-2013, hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn). Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã tạo điều kiện về quy hoạch và mặt bằng đối với các công trình điện theo chương trình xây dựng nông thôn mới…

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Bảy nội dung chủ yếu phát triển điện nông thôn là: Tổ chức quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt; triển khai Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020; xây dựng lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp tại các xã tham gia dự án RE2; rà soát, chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho EVN Hà Nội tiếp nhận quản lý và bán lẻ trực tiếp đến các hộ dân từ các tổ chức kinh doanh điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện lực theo quy định của pháp luật hoặc không có khả năng trả nợ vốn vay dự án RE2; thu hồi vốn vay dự án RE2 trả nợ vay WB; củng cố, nâng cao năng lực các tổ chức đủ điều kiện kinh doanh điện lực; duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo Điện nông thôn TP Hà Nội.

Thanh Mai - Thanh Hải