Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 - 2017: Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc
Sách - Ngày đăng : 06:27, 02/04/2017
Các hoạt động trong Ngày sách góp phần lan tỏa văn hóa đọc, nâng cao dân trí. Ảnh: Viết Thành |
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào đọc sách
Ngày 31-3, đông đảo cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) hào hứng tham gia Ngày hội đọc sách và Festival tiếng Anh do nhà trường tổ chức. Rất nhiều hoạt động bổ ích đã diễn ra như: Thiết kế gian hàng trưng bày sách của từng khối lớp với những ý tưởng riêng; kết hợp tổ chức đọc sách với biểu diễn văn nghệ, thi hùng biện, diễn kịch... Cô giáo Phan Thiên Hương, Trường Tiểu học Đông Thái chia sẻ: "Công tác chuẩn bị cho Ngày hội đọc sách đã được cô và trò nhà trường chuẩn bị cả tháng nay, với nhiều hoạt động. Nhà trường động viên mỗi học sinh mang một cuốn sách góp vui cho Ngày hội đọc sách, sau đó, gửi tặng học sinh nghèo vùng cao. Hiện tại, các lớp học ở trường đều đã có tủ sách riêng, khuyến khích học sinh thường xuyên đọc sách".
Trường Tiểu học Đông Thái chỉ là một trong số hàng nghìn trường học triển khai Ngày hội đọc sách theo chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống trường học. Điều đó cho thấy, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam ngày càng lan tỏa rộng, mạnh mẽ và gần gũi trong cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Cục phó Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: "Chúng tôi luôn trăn trở tìm giải pháp để chương trình hưởng ứng không chỉ mang tính chất khuấy động, rồi... để đó. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, chúng tôi đẩy mạnh thói quen đọc sách trong đội ngũ cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang... Điều này được thể hiện ngay trong quá trình triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc".
Theo Chánh Văn phòng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Thư ký Thường trực Ban tổ chức Hoàng Hải Long, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 - 2017, Bộ TT-TT không chỉ phối hợp với Bộ GD-ĐT mà còn phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức các hoạt động trong lực lượng an ninh, quốc phòng. Bộ Quốc phòng đã phát động phong trào đọc sách trong toàn quân. Bộ Công an dự kiến sẽ triển khai hoạt động này vào ngày 20-4. Các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam ở cơ sở được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tới vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Hướng tới một xã hội học tập
Trong những năm qua, ngoài việc tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, các hoạt động Ngày Sách Việt Nam còn được đầu tư, tổ chức hiệu quả tại một số khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn như: Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Kon Tum, Đắk Lắk, Tây Ninh, Kiên Giang, Bình Phước…, tạo chuyển biến rõ rệt về văn hóa đọc. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, phong trào đọc sách trong cộng đồng luôn được khuyến khích, nhân rộng, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm được tổ chức thường xuyên tại các hội sách (từ các hội sách toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố; hội sách Mùa xuân, Mùa thu của các nhà xuất bản lớn, cho đến các hội sách cũ với quy mô nhỏ, nhưng gần gũi với học sinh, sinh viên trong khuôn viên các trường học), giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của sách trong đời sống. Điều đáng nói, có ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức xã hội tự nguyện tham gia vào việc quảng bá sách. Chẳng hạn như chương trình Sách hóa nông thôn của ông Nguyễn Quang Thạch; hay những chuyên trang thông tin và chia sẻ kiến thức chọn lọc dành cho giới trẻ "spiderum.com" của Trần Việt Anh. Ông Nguyễn Quang Thạch, người được Giải thưởng về phổ biến tri thức, xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 chia sẻ: "Tôi mong muốn huy động được nhiều người tham gia vào việc tạo mô hình thư viện, tủ sách... để phát triển văn hóa đọc. Với tôi, mỗi gia đình có thói quen đọc sách là gia đình có văn hóa đọc. Đọc sách phải là sự tương tác tri thức, qua đó tích lũy kiến thức bản thân, kích thích quá trình tự học và sáng tạo". Còn theo Trần Việt Anh: "Đọc sách qua mạng internet là một xu hướng, nhất là với giới trẻ. Tôi nghĩ dù đọc theo phương thức nào, mỗi người đọc sách tối thiểu vài trang trong một ngày là rất cần thiết. Tuy nhiên, không nên đọc sách thụ động, mà luôn đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin có tính chất phản biện trong khi đọc. Từ ý tưởng đó, website spriderum.com đã được lập ra với mong muốn tận dụng không gian mạng để mọi người trao đổi những hiểu biết của mình, qua đó có thể trải nghiệm đọc hiệu quả hơn".
Từ mua sách, đọc sách, cho đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa là một hành trình dài. Điều quan trọng, qua thông điệp của Ngày Sách Việt Nam 21-4, chúng ta đã định hướng rõ ràng trong việc khẳng định tinh thần khuyến đọc, hướng tới một xã hội học tập, phát triển bền vững!
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hướng đến Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 - 2017 chính là lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam và Hội sách chào mừng với chủ đề: “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” do Bộ TT-TT chủ trì tổ chức, diễn ra từ ngày 6 đến 10-4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) với khoảng 100 gian hàng của 80 đơn vị thuộc các nhà xuất bản, công ty phát hành trên cả nước. Khoảng 20 sự kiện sẽ được tổ chức với các chủ đề gắn với sách và văn hóa đọc, bao gồm giới thiệu tác phẩm “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức; tọa đàm “Rằng thương nhau cho trọn” của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT... |