Giá dịch vụ thủy lợi, nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 03/04/2017

(HNM) - Từ phí trở thành giá dịch vụ thủy lợi là bước chuyển cần thiết và phù hợp các quy định pháp luật hiện hành, hướng tới việc hiện đại hóa ngành Thủy lợi, tiết kiệm tài nguyên nước…

Miễn giảm thủy lợi phí hay trợ giá dịch vụ?

Từ ngày 1-1-2017, sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Để làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng đơn giá đặt hàng, đấu thầu dịch vụ thủy lợi, ngày 14-11-2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 280/2016/TT-BTC quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Áp dụng Thông tư 280, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 55/2016/QĐ-UBND ngày 31-12-2016 về giá dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá dịch vụ công ích thủy lợi cao nhất của Hà Nội áp dụng theo thông tư trên là 1.811.000 đồng/ha/vụ.

Theo ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, nếu thành phố áp dụng mức giá trên, Công ty khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi tính toán thực tế hiện nay, nhiều diện tích do Công ty đang phục vụ có chi phí ở mức hơn 2,7 triệu đồng. Mức giá tối đa Bộ Tài chính đưa ra chỉ tương đương với mức cấp bù miễn thủy lợi phí được quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10-9-2012.

“Đây là quy định không hợp lý, bởi nó chưa tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ cho 1ha tưới, tiêu quy đổi ra lúa. Hơn nữa, quy định này cũng không tính đến những thay đổi về chế độ tiền lương, giá điện, nguyên - nhiên vật liệu tăng thì phải điều chỉnh. Áp mức giá tối đa của Thông tư 280 không bảo đảm đủ kinh phí cho các doanh nghiệp thủy lợi hoạt động” - ông Đặng Tuấn Hùng khẳng định.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn: Tính đầy đủ các chi phí để bơm tưới, tiêu cho 1ha trên địa bàn thành phố, năm 2011 - 2012 ở mức 2.100.000 - 3.052.000 đồng; năm 2016 ở mức 2.206.900 - 3.298.485 đồng/ha, tùy từng vị trí.

Hiện nay, thủy lợi phí đã chuyển sang giá dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn về chính sách đối với các đối tượng trước đây được miễn thủy lợi phí, khi chuyển sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ như thế nào. Điều này khiến nhiều địa phương băn khoăn, mong được làm rõ là ngân sách cấp bù, trợ giá hay thu của nhân dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, do các vướng mắc trên nên hiện nay Hà Nội chưa thể xác định chính xác nguồn kinh phí nào để bố trí đặt hàng dịch vụ thủy lợi.

Cần sự điều chỉnh phù hợp

Để thực hiện đúng các quy định pháp luật về sử dụng ngân sách, các tỉnh, thành phố đang đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10-9-2012 cho phù hợp với quy định về giá dịch vụ thủy lợi; đồng thời hướng dẫn việc triển khai thu giá dịch vụ thủy lợi theo quy định.

Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí thì thủy lợi phí được chuyển sang giá dịch vụ thủy lợi do Nhà nước định giá. Theo đó, việc triển khai các chính sách về giá trong lĩnh vực thủy lợi được áp dụng quy định tại Luật Giá năm 2012 và các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, Luật Giá năm 2012 chưa tính đến đặc thù của dịch vụ thủy lợi, các quy định hiện hành liên quan đến giá dịch vụ thủy lợi còn chưa nêu rõ nội dung trợ giá, miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi cho người dân; hiện nội dung này mới chỉ được thể hiện tại dự thảo Luật Thủy lợi được Chính phủ trình Quốc hội.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian chuyển tiếp, cho phép thực hiện cơ chế tài chính cấp phát hỗ trợ giá dịch vụ thủy lợi như quy định hiện hành tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP. Thời gian chuyển tiếp thực hiện đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành.

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tạm giao kế hoạch, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức quản lý, khai thác theo các quy định hiện hành; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo thẩm quyền...

Phúc Bản