Hà Nội: Lấy ý kiến góp ý về đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 08:28, 03/04/2017

(HNMO) - Sáng 3-4, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa XI)...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.


Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn. Lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương đến dự.

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày tại hội nghị, thực tiễn cho thấy Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, định hướng để xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; khẳng định là động lực phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, dịch vụ chiếm 57,2%; công nghiệp - xây dựng 29,69%; nông nghiệp 3,22%... Kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được củng cố và phát triển.

Phát triển nông nghiệp và nông thôn được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Quản lý và phát triển đô thị được đẩy mạnh, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị có chuyển biến rõ nét. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Thành phố vẫn dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được quan tâm và bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đó, Thành phố cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Đó là kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập, gây bức xúc; công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu… Một số nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô quy định chi tiết chưa được ban hành, nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận nội đô cũ; quyết định cụ thể về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời của các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học…

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị các huyện, thị xã nằm trong quy hoạch xây dựng 5 đô thị vệ tinh; việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà xuống cấp còn chậm; tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi tốc độ tăng dân số cơ học nhanh… đã chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố.

Để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương một số nội dung như: đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên địa bàn; một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội; xây dựng chính quyền đô thị...

Tại hội nghị, ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo của thành phố Hà Nội về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã phân tích, góp ý cho Hà Nội cần bổ sung, chỉnh sửa và làm rõ hơn một số nội dung trong dự thảo báo cáo về quy hoạch, quản lý đô thị, môi trường, văn hóa...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cho dự thảo báo cáo của thành phố. Theo Bí thư Thành ủy, thành phố sẽ chỉnh sửa, cơ cấu lại báo cáo cho hợp lý, đồng thời làm rõ hơn một số vấn đề trong báo cáo, từ đó làm nổi bật những kết quả, hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phân tích kỹ thuận lợi, khó khăn, đánh giá bối cảnh thời gian tới để đưa ra giải pháp, mục tiêu cho phù hợp... Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương vào dự thảo báo cáo của thành phố, giúp thành phố hoàn chỉnh báo cáo trình Bộ Chính trị.

Hưng Thịnh