Hướng tới mô hình xử lý rác 3R
Công nghệ - Ngày đăng : 07:18, 04/04/2017
Để khắc phục hạn chế này, thành phố đang xây dựng lộ trình áp dụng phương pháp xử lý rác thải tiên tiến, hướng tới mô hình xử lý 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) hoàn chỉnh; qua đó tạo tiền đề quan trọng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong giải quyết bài toán này.
Công nhân vận hành dây chuyền đốt rác thải tại Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố
Trước nhu cầu cấp bách về xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tiên tiến thay thế phương pháp chôn lấp. Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long (ENSERCO) cho biết, Công ty đã nghiên cứu thành công và vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế cho "Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt". Quy trình công nghệ này giúp giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn nhờ loại bỏ các thành phần rác không cháy, ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt.
"Đặc biệt, rác được sấy từ nhiệt năng của lò đốt. Trong quá trình phân loại và sấy rác, các kỹ sư đã sử dụng thiết bị thu gom khí rồi đưa vào lò đốt, giảm phát thải mùi ra môi trường. Nhưng điều quan trọng là toàn bộ khâu từ thu gom, vận chuyển đến xử lý cần tập trung vào một đầu mối; rác thải cần được phân loại tại nguồn để giảm thiểu chi phí cho quá trình sấy, đốt. Hiện nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây của ENSERCO đang phát huy hiệu quả với công suất xử lý 700 tấn rác/ngày" - ông Nguyễn Phúc Thành chia sẻ.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng đã xây dựng nhà máy đốt rác tận dụng nhiệt phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn). Nhà máy này chủ yếu xử lý rác thải công nghiệp và cung cấp điện năng cho ngay Khu liên hợp xử lý chất thải.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), sau khi thành phố có thông báo (tháng 2-2017) về 10 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải trên địa bàn, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng.
Ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện. Đến hết năm 2016, khoảng 98% rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và 87% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý. Đặc biệt, 4 quận trung tâm thành phố có tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trong ngày đạt 100%.
Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trong ngày vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình. Nhiều xã xa trung tâm chưa thu gom, xử lý tập trung. Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ có vị trí rải rác tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị đang vận hành Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, trong số 3.900 - 4.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển hằng ngày lên khu xử lý tập trung, thì có đến 95% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), biện pháp xử lý này không chỉ chiếm dụng đất đai, tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm khu vực. Trong khi đó, trên thực tế - các giải pháp giảm thiểu, phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm giảm thiểu khối lượng chôn lấp vẫn chưa được chú trọng.
Được biết, UBND TP Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Trước mắt, từ năm 2016 đến 2018, tiếp tục lựa chọn công nghệ chôn lấp và xử lý hợp vệ sinh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt phát điện. Từ năm 2018 đến 2020, lựa chọn công nghệ tái chế, thu hồi là chủ đạo; đốt một phần hoặc đốt có thu hồi năng lượng kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ (của huyện), hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung của thành phố, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R hoàn chỉnh.