Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 04/04/2017
Đoàn chủ tịch Hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã dành trọn thời gian để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu chuyên trách. Hai phương án được đưa ra xin ý kiến: Một là, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 là: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình); Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) đều cho rằng, tội phạm đang trẻ hóa, tính chất ngày càng phức tạp, gây bức xúc lớn trong xã hội, nên phải nghiêm trị. Cùng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt. Theo đại biểu, lý luận về việc không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội danh là đi ngược lại với chính nguyên tắc áp dụng Bộ luật Hình sự được quy định tại Điều 91 của chính bộ luật này.
Trước đó, kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ hai có 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với đề xuất bổ sung hành vi kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái phép nhằm bảo đảm công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình phạm tội nhận được sự đồng tình của các đại biểu nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. UBTVQH cho rằng, hành vi kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối trái phép nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự...