Tour 0 đồng: Nguy cơ làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam

Du lịch - Ngày đăng : 06:56, 05/04/2017

(HNM) - Việc bùng nổ về số lượng du khách Trung Quốc lại xuất phát từ hiện tượng khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng.

Tour du lịch 0 đồng khiến các cơ quan quản lý lúng túng. (Ảnh có tính minh họa). Ảnh: Thái Hiền
Khách "một đi không trở lại"

Từ giữa năm 2016 đến nay, khách Trung Quốc đi theo tour 0 đồng tăng mạnh ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và mới đây là Quảng Ninh. Điều đáng quan tâm là, dù lượng khách đến tăng nhưng ngành Du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc bao thầu. Khách được đi tham quan rất ít, chủ yếu được đưa vào các điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống với giá cao và hiện tượng các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc vừa bị đóng cửa là điển hình. Bên cạnh đó là tình trạng nhồi nhét khách, giảm suất ăn chính hay thậm chí tắt điều hòa trên xe để buộc khách phải xuống điểm mua sắm... Thực trạng nêu trên không chỉ gây thất thoát nguồn thuế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch địa phương, rộng hơn là hình ảnh du lịch Việt Nam và dẫn đến hậu quả là nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt, bán tour 0 đồng cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam là một hình thức kinh doanh không tốt bởi giá mua sắm, dịch vụ bị đẩy lên cao gấp 3, 4 lần.

Anh Nguyễn Văn Linh, hướng dẫn viên tự do cho biết, để thu hút khách, không ít đơn vị lữ hành đã bán tour dưới giá thành, thậm chí là tour 0 đồng cho những đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là hình thức tour trong đó khách được chào mời chỉ phải trả tiền vé máy bay, còn tiền ăn, ở, tham quan… sẽ được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, khi tham gia tour khách sẽ liên tục bị ép vào cửa hàng mua sắm, sử dụng các dịch vụ giá cao hay sẽ bị “chém đẹp” khi mua vé tham quan tại các điểm đến...

Một cơ sở chỉ bán hàng cho người Trung Quốc tại TP Hạ Long vừa buộc phải đóng cửa chiều 1-4. Ảnh: Quang Hào

Cần giải pháp tổng thể


Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng tour giá rẻ đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Rất nhanh chóng, các tour dạng này đã bị siết chặt.

Cụ thể là từ năm 2016, Thái Lan đã "mạnh tay" với dạng tour này nên chỉ trong một thời gian ngắn, chi phí tour đã tăng lên 9.000 tệ (tương đương 28,8 triệu đồng/khách cho tour 5 đến 6 ngày), dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm mạnh. Sau đó, Thái Lan đã dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường. Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng đã từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng bằng cách thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm... Với các nước Âu - Mỹ chấp nhận sự tồn tại tour giá rẻ nhưng luôn có quy định khách du lịch phải được biết rõ dịch vụ trong tour, vì thế tỷ lệ khiếu kiện ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận...

Ở Việt Nam, những bất cập của tour 0 đồng cũng khá nhiều, nhiều nhất là việc ép du khách sử dụng các dịch vụ giá cao, ép mua sắm tại các điểm đã được chỉ định trước với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm khó kiểm soát... Trước thực trạng trên, ngành Du lịch Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp để giải quyết những bất cập từ loại hình tour giá rẻ và tour 0 đồng. Theo đó, Tổng cục Du lịch và các địa phương sẽ phối hợp quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” (công ty đón khách không thu bất kỳ chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách) hoặc bán lại khách cho hướng dẫn viên, nếu phát hiện có sai phạm sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.

Với các điểm mua sắm, sẽ gắn biển đạt chuẩn, bảo đảm khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm thông qua đánh giá và khiếu nại của du khách. Bên cạnh đó, do tour 0 đồng dễ làm phát sinh những khiếu kiện từ khách, nên các địa phương cần thành lập đội phản ứng nhanh để giải quyết khiếu kiện từ du khách.

Theo ông Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch: "Trong khi chúng ta rất khó "móc" hầu bao du khách từ các thị trường khác thì khách Trung Quốc lại ưa thích sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Chính vì vậy, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ".

Để hạn chế những mặt tiêu cực của tour giá rẻ và tour 0 đồng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, trong đó cần tăng cường giám sát tại các điểm mua sắm, cơ sở dịch vụ để chống thất thu thuế và giảm thiệt thòi cho khách. Quyết định của UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa ban hành về việc đóng cửa 15 điểm bán hàng "chỉ phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc" do không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách là một động thái tích cực cần được nhân rộng tại nhiều nơi khác nhằm giải quyết triệt để những vi phạm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc), con số này xấp xỉ 50%.

Lâm Vũ