Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ là một không gian trình diễn áo dài lớn nhất

Văn hóa - Ngày đăng : 15:25, 05/04/2017

(HNMO) -Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VI với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.


Đây là lần thứ 6 Festival Nghề truyền thồng Huế được tổ chức. Hoạt động này đã trở thành nơi hội tụ trí tuệ, tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong cả nước.

Năm nay, Festival Nghề truyền thồng Huế gồm các nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Dệt may, mây tre, pháp lam cùng các sản phẩm khác có thương hiệu và truyền thống lâu đời, quy tụ sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân, hầu hết đều là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế.


Không chỉ vậy, Festival nghề truyền thống Huế 2017 còn có sự tham dự của nhiều quốc gia có thành phố kết nghĩa hợp tác với Huế như các thành phố Takayama, Saijo, Shizouk của Nhật Bản; Quận Dongnae, thành phố Busan của Hàn Quốc...


Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế cho biết, Festival sẽ xây dựng không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề để giới thiệu, trưng bày, thao diễn, giao lưu với khách tham quan và kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống của các nghệ nhân cả nước và quốc tế. Không gian sẽ bao phủ các khu vực gồm: Bảo tàng Văn hóa Huế, Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Phan Bội Châu, Công viên Tứ Tượng, Công viên Lý Tự Trọng, Trung tâm Văn hóa làng nghề Phương Nam, Tinh Tâm Kim Cổ (278 Đinh Tiên Hoàng), Không gian văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Đình Chiểu)…

Trong khuôn khổ Festival còn có các chương trình nghệ thuật đặc sắc; Lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề; hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập nổi tiếng...


Đặc biệt, tối 30-4, trong khuôn khổ festival sẽ diễn ra Lễ hội áo dài Huế với tên gọi “Hội họa Huế và áo dài”. Đây thực sự là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của áo dài và hội họa Huế. Với sàn diễn lớn chính là cầu Trường Tiền, bộ sưu tập áo dài của các nhà tạo mẫu danh tiếng như Minh Hạnh, Vũ Việt Hà, Viết Bảo… sẽ đem tới một không gian thời trang đặc biệt dịu dàng, tha thướt đậm chất Huế.

Cũng trong dịp này, một số hoạt động thời trang như lễ diễu hành của 200 nữ sinh Huế, trải nghiệm dịch vụ may áo dài nhanh của các nghệ nhân Huế... cũng sẽ được tổ chức.

T.Minh