Tăng tuổi nghỉ hưu: Chỉ nên giữ lại người xứng đáng
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:34, 06/04/2017
Ảnh mang tính minh họa. |
Theo quan điểm của Hội LHPN Việt Nam, tăng tuổi nghỉ hưu để phụ nữ có cơ hội thăng tiến ngang bằng với nam giới. Nếu tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 năm, tức là họ sẽ sớm hết tuổi được đề bạt, đồng thời lương hưu cũng thấp hơn nam giới. Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), phụ nữ vốn chậm “khởi động” công việc hơn nam giới vì còn trách nhiệm làm mẹ. Nếu người phụ nữ sinh 2 con thì họ phải mất từ 3 đến 5 năm, thậm chí nhiều hơn để mang thai, chăm sóc con nhỏ. Do đó, họ không có sức lực, thời gian dành cho việc học tập, phấn đấu trong công việc. Phụ nữ thiệt thòi từ chặng đầu như vậy. Nhưng khi họ bắt đầu quay trở lại làm việc thì lại sớm phải nghỉ hưu. Phụ nữ đã không được đề bạt khi 50-51 tuổi, còn nam giới đến 55-56 tuổi vẫn được đề bạt. Cùng với việc nghỉ hưu sớm, lương hưu của phụ nữ cũng thấp hơn. Như vậy, với sự "thiệt đơn thiệt kép" kể cả về sự nghiệp lẫn thu nhập, vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực bị xem nhẹ, tiếng nói của phụ nữ cũng ít được coi trọng hơn. “Do đó, tôi ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên cho ngang bằng với nam giới, song cũng cần có chính sách để tạo điều kiện cho những người muốn nghỉ hưu sớm" - Bà Vân Anh bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đang đề nghị tăng cả tuổi nghỉ hưu cho nam giới từ 60 tuổi như hiện nay lên 62-65 tuổi. Lý do là để đối phó với tình trạng dân số già khi mà người cao tuổi ngày càng nhiều và thanh niên ngày càng ít, lực lượng lao động thiếu. Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là để tăng đóng góp cho quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) vì hiện nay người lao động đang đóng ít mà hưởng lương hưu nhiều.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện mỗi năm chúng ta đang “ế” 200.000 cử nhân, nhiều bạn trẻ cũng chật vật không xin được việc. Có cơ quan thiếu người làm nhưng lại không còn chỉ tiêu để tuyển người mới… Tăng tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến tình trạng người cao tuổi không còn làm việc hiệu quả nhưng lại vẫn có cơ hội “giữ ghế”, trong khi lao động trẻ thì không có điều kiện để được cống hiến.
Thiết nghĩ, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với những người thực sự có năng lực và đang tích cực làm việc, nhất là đối với những nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm, có trình độ. Còn với những người muốn giữ “ghế”, muốn “hưởng nhiều, làm ít” thì cần phải có thêm các chính sách sàng lọc để tạo điều kiện cho lớp sau được làm việc. Nếu những người cao tuổi muốn cống hiến thêm thì cũng nên ủng hộ, tuy nhiên phải trên cơ sở lựa chọn công việc phù hợp với sức lực, sự cống hiến và thu nhập tương đương.