Biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 06/04/2017
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của Hà Nội.
Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa và sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ảnh: Viết Thành |
Giao lưu, quảng bá văn hóa
17h, Đoàn đại biểu TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại di tích đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng Đoàn đại biểu dâng hương, hoa, lễ vật, tỏ lòng thành kính biết ơn công đức Tổ tiên. Đoàn đại biểu cầu mong Đức Thánh Tổ phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn; cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Hà Nội luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Sau lễ dâng hương tại đền Thượng, Đoàn đại biểu TP Hà Nội dâng hương tại đền Giếng, đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Biết ơn các Vua Hùng, năm nay TP Hà Nội và các tỉnh: Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng. Trên tinh thần đó, lớp nghệ nhân giàu kinh nghiệm của làng nghề truyền thống Ước Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai) đã chọn gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh thơm ngon để làm bánh giầy dâng lên các Vua Hùng; tham gia “Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng năm 2017” và đã giành giải nhất thi giã bánh giầy; giải nhì thi gói, nấu bánh chưng.
Những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long mang đến hàng chục tiết mục đặc sắc ca ngợi đất nước, Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình phục vụ đồng bào. Trong ngày 6-4, Nhà hát Múa rối Thăng Long giới thiệu tới du khách 16 tích trò rối cổ như: chú Tễu, đánh bắt cá, múa lân, rồng, sư tử, cảnh người nông dân cấy lúa, làm ruộng… tại thủy đình hồ Khuôn Muồi, Khu di tích lịch sử đền Hùng.
“Thông qua những tiết mục nghệ thuật dân gian này, chúng tôi muốn tái hiện quá trình hình thành, phát triển của nền nông nghiệp lúa nước, tương truyền có từ thời Hùng Vương” - NSƯT Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi, Thủ đô Hà Nội và đất Tổ Phú Thọ có nhiều nét văn hóa tương đồng. Các đơn vị nghệ thuật mang hương sắc Thăng Long - Hà Nội đến vùng đất Tổ phục vụ đồng bào, kiều bào là hình thức giao lưu, quảng bá văn hóa hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các địa phương, dân tộc.
Gắn kết cộng đồng các dân tộc
Đông đảo nhân dân và du khách về với đất Tổ trong dịp lễ hội. Ảnh: Nhật Nam |
Từ bao đời nay, Lễ hội đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hằng năm là một trong những hình thức biểu đạt tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012), lượng khách hành hương về đền Hùng ngày một tăng và tập trung đông nhất vào ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba âm lịch.
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL), đối với người Việt, Khu di tích lịch sử đền Hùng - ngôi điện thờ các Vua Hùng chứa đựng giá trị biểu đạt vô bờ. Đứng trong kiến trúc này, con người ta như đứng trong dòng chảy sinh lực thông tam giới (trời - đất và con người), trong sự nâng đỡ của tổ tiên, khiến cho con người có cảm giác khỏe khoắn, khát khao được xây dựng và cống hiến vì một Việt Nam đại đoàn kết, cường thịnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2017 Hà Kế San cho biết, dự kiến có khoảng 6 - 8 triệu đồng bào, kiều bào về đất Tổ trong dịp lễ hội. Tỉnh Phú Thọ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào hành hương, bố trí hàng trăm người ứng trực bảo đảm an ninh, an toàn tại nhiều vị trí. Ngoài ra, các đội công tác liên ngành của tỉnh Phú Thọ liên tục kiểm tra các cơ sở lưu trú, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống... Nhờ đó, Lễ hội đền Hùng năm nay cơ bản khắc phục được tình trạng bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo, “chặt chém” du khách. “Năm nay, cảnh quan, không gian Khu di tích khang trang, thành kính hơn, các hoạt động lễ hội tập trung hơn...” - ông Nguyễn Trần Tám, đến từ xã Quảng Phú, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đánh giá.
Hôm nay 6-4 (tức mùng 10 tháng Ba âm lịch), chính hội đền Hùng được bắt đầu bằng lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trong đền Thượng, Khu di tích lịch sử đền Hùng. Lễ dâng hương diễn ra lúc 6h30, sớm hơn 1 tiếng so với mọi năm. Cùng thời điểm tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, những địa phương có di tích thờ Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương cũng đồng loạt dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Du khách hành hương về đất Tổ gặp khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện thấy trường hợp nào cố tình vi phạm các quy định của Ban tổ chức, có thể phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng 0210.3860.026 hoặc 0210.6552.666 được niêm yết công khai tại nhiều địa điểm. |