Câu hỏi chưa có giải đáp

Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 08/04/2017

(HNM) - Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước… đang đe dọa trực tiếp sức khỏe mỗi người nên việc mua sắm thiết bị nhằm ngăn ngừa tối đa nguy cơ gây mầm bệnh được người dân đặc biệt quan tâm. Đánh trúng tâm lý ấy, trên thị trường đang nở rộ “cuộc đua” của những nhà cung cấp thiết bị lọc nước

Nhiều loại máy lọc nước đạt chuẩn, có thương hiệu được bày bán tại siêu thị điện máy Pico Nguyễn Trãi. Ảnh: Anh Tuấn



"Ma trận"... máy lọc nước!

“Máy lọc nước có tác dụng ngăn ngừa mỡ máu”; “Máy lọc nước với màng lọc RO được thiết kế loại bỏ 99,9% ion kim loại”; “Máy lọc nước diệt khuẩn 100%”... là những lời “có cánh” mà nhiều hãng sản xuất dùng để giới thiệu về công dụng của máy lọc nước do đơn vị mình sản xuất hoặc phân phối. Trong điều kiện nguồn nước tại nhiều nơi còn chưa bảo đảm, nhiều gia đình đã tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua thiết bị lọc nước để nâng cao sức khỏe cho mỗi thành viên. Theo giám đốc một tổng công ty lớn chuyên cung cấp các giải pháp về nước, có trụ sở tại Hà Nội, trên thị trường hiện có khoảng 200 đơn vị cung cấp sản phẩm máy lọc nước uống ngay, trong đó có khoảng 10 đơn vị có thương hiệu lớn của cả Việt Nam và quốc tế. Dạo một vòng qua các siêu thị điện máy hay các cửa hàng bán lẻ, có thể dễ dàng nhận thấy hàng chục sản phẩm máy lọc nước được bày bán với đủ mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, chủng loại và xuất xứ khác nhau, giá thành cũng chênh từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Tại một trung tâm điện máy lớn trên đường Lê Văn Lương, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” khi tại đây bày bán sản phẩm máy lọc nước của gần chục thương hiệu như: Karofi, Korihome, Myota, Sanaky, Kangaroo, Sunhouse, Aosmith, Coway… Mỗi thương hiệu lại cung cấp cả chục sản phẩm với mẫu mã khác nhau, sản phẩm rẻ nhất có giá 2 triệu đồng, sản phẩm đắt nhất lên tới 14,9 triệu đồng. Không những thế, giá niêm yết của đơn vị sản xuất và giá bán thực tế tại cửa hàng cũng chênh nhau từ vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm bởi phụ thuộc vào công suất, số lượng tầng lọc và công nghệ lọc… của mỗi hãng, mỗi seri máy khác nhau.

Sức tiêu thụ lớn, lợi nhuận hấp dẫn… là những yếu tố khiến thị trường cung cấp máy lọc nước trở thành “mảnh đất” béo bở của nạn hàng giả, hàng nhái dưới nhiều chiêu trò tinh vi. Đơn giản nhất là đánh tráo linh kiện, màng lọc bằng hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào sản phẩm máy lọc nước của các hãng có uy tín. Tinh vi hơn, nhiều đơn vị đang kinh doanh sản phẩm điện lạnh của các thương hiệu nổi tiếng cũng “tranh thủ” nhận linh kiện, tự lắp ráp rồi “gán” tên hàng chính hãng, trong khi nhiều hãng không hề sản xuất sản phẩm máy lọc nước. Không những thế, nhiều đơn vị sản xuất còn làm nhái nhãn mác gần giống thương hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng lầm tưởng. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Feroli Việt Nam (địa chỉ đăng ký tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì): Chưa bàn về chất lượng sản phẩm máy lọc nước của đơn vị này, song nếu chỉ đọc tên và nhìn dưới góc độ nhận diện thương hiệu, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn tên Feroli với thương hiệu nổi tiếng của Tập đoàn Ferroli (Italia). Trên thực tế, Ferroli là tập đoàn chuyên sản xuất các thiết bị như: Bình nước nóng trực tiếp, gián tiếp; bình nước nóng năng lượng mặt trời, máy bơm nhiệt… và trong danh mục hàng sản xuất không có tên sản phẩm máy lọc nước. Việc đặt tên “nhập nhèm” như vậy dễ tạo ra sự nhầm lẫn với người tiêu dùng.

Quản lý chất lượng bị buông lỏng


Thạc sĩ Lê Thái Hà - Trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích - Viện Bảo vệ sức khỏe và môi trường cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có trên 400.000 thiết bị lọc nước hộ gia đình được bán ra tại thị trường Việt Nam. Còn theo số liệu do chính các doanh nghiệp cung cấp, năm 2016, Karofi dẫn đầu thị phần cung cấp máy lọc nước với trên 125.000 sản phẩm được bán ra, tiếp đó là Kangaroo với 100.000 sản phẩm, Tân Á Đại Thành với 80.000 sản phẩm…

Đáng nói, tuy có một thị trường tiêu thụ rộng lớn, song theo tiết lộ của chính chủ doanh nghiệp và đại diện Viện Bảo vệ sức khỏe và môi trường, hiện chưa có bất cứ quy chuẩn nào quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm máy lọc nước phải tuân thủ. Hiện, Bộ Y tế chỉ có hai bộ quy chuẩn: QCVN 01:2009/BYT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình khai thác nước ăn uống… có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên) và QCVN 6-1:2010/BYT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai).

Cũng theo bà Hà, đánh giá ban đầu của WHO cho thấy, thông tin chất lượng sản xuất máy lọc nước tại Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào kết quả tự công bố của chính đơn vị lắp ráp, sản xuất. Đây là điều rất đáng lo ngại do nước sau lọc sẽ được uống trực tiếp, khác hoàn toàn với nước máy được sử dụng sau khi đun sôi. “Hầu hết các đơn vị đến Viện Bảo vệ sức khỏe và môi trường chỉ để kiểm tra một mẫu nước hoặc một thiết bị cụ thể. Trong khi theo hướng dẫn của WHO về giám sát và đánh giá thiết bị lọc nước dùng trong hộ gia đình, một thiết bị lọc nước đạt chuẩn phải được kiểm tra theo hai giai đoạn: Kết quả sản phẩm ban đầu và hiệu quả xử lý nước sau thời gian sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, duy nhất tại Việt Nam chỉ có Công ty cổ phần Karofi thực hiện nghiêm ngặt quy định này dưới sự giám sát chặt chẽ của Viện Bảo vệ sức khỏe và môi trường, các doanh nghiệp còn lại đều chưa thực hiện” - bà Hà cho biết.

Bảo Nga