Bảo đảm tiêu thoát nhanh khi xảy ra mưa lớn

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 08/04/2017

(HNM) - Theo dự báo, mùa mưa lũ năm 2017 sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới TP Hà Nội. Lượng mưa vào các tháng cao điểm có xu hướng tăng 5-10%. Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nhiều biện pháp kỹ thuật kèm

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thông hút cống thoát trên đường Giải Phóng trước mùa mưa bão. Ảnh: Anh Tuấn



- Mùa mưa năm 2017 đang đến gần với dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch thoát nước mùa mưa năm nay, thưa ông?

- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong mùa mưa năm 2017 sẽ xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Thủ đô Hà Nội. Biến đổi khí hậu đã, sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới công tác thoát nước, bởi theo dự báo vào tháng cao điểm mùa mưa năm nay, lượng mưa có xu hướng tăng dần 5-10%.

Năm 2017, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội dự kiến tiếp nhận, quản lý, duy tu hệ thống thoát nước ngõ xóm, các thị trấn trên địa bàn. Trước mùa mưa bão, Công ty có kế hoạch khảo sát hệ thống thoát nước của các khu vực này để khớp nối, đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Tuy nhiên, một số tuyến mương thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành việc cống hóa, nhưng lòng cống vẫn còn lượng lớn bùn, đất, vật liệu xây dựng chưa được thanh thải. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước chung. Thêm vào đó, nhận thức của cộng đồng về việc tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước còn hạn chế cũng khiến tình hình gặp nhiều khó khăn...

- Ông có thể cho biết về thực trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn Hà Nội và số lượng “điểm đen” úng ngập còn tồn tại?


- Hệ thống thoát nước của Hà Nội trên địa bàn 12 quận hiện chia thành 5 lưu vực chính, gồm lưu vực Tô Lịch, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, sông Cầu Bây và Hà Đông với 5 trạm xử lý nước thải. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội được giao quản lý, duy tu, duy trì phần lớn 5 lưu vực này, trừ lưu vực hữu Nhuệ thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Cụ thể, Công ty quản lý, vận hành 1.432km cống rãnh; 121,8km mương, sông, kênh; 2 trạm xử lý nước thải, 48 trạm bơm, 122 hồ và hàng chục ngàn hố ga. Hệ thống thoát nước tại 19 thị trấn, gồm 386km cống rãnh; 43,3km kênh mương và hàng nghìn hố ga. Ngoài ra, Công ty còn quản lý hệ thống thoát nước trên các đường quốc lộ, tỉnh lộ theo Quyết định số 7017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2giờ, cơ bản địa bàn Hà Nội chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước do đường trũng, không có điểm ngập. Nhưng, khi xảy ra các trận mưa có lượng mưa từ 50mm/2giờ đến 100mm/2 giờ, Hà Nội còn tồn tại 18 điểm úng ngập, trong đó có 13 điểm thuộc địa bàn Công ty quản lý, duy tu năm 2016 và phát sinh thêm 5 điểm trên địa bàn mới tiếp nhận. Ngoài ra, còn một số điểm úng ngập nhỏ lẻ trong các ngõ, xóm, khu dân cư.

Qua theo dõi các trận mưa những năm qua, chúng tôi thấy một số trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (không quá 40 phút) với lượng mưa không đều trên địa bàn thành phố đã gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dẫn đến một số điểm úng ngập cục bộ. Trong khi đó, thành phố hiện vẫn còn tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng hố ga. Khi mưa, các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi rất nhanh về các hố ga thu, làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Ngoài ra, một số hộ dân sử dụng các tấm chắn, bịt miệng lỗ các hố ga thu, khi mưa lớn, nếu không tháo dỡ kịp thời sẽ gây úng ngập.

- Bên cạnh tình trạng lấn chiếm kênh mương thoát nước, Hà Nội còn có những điểm úng ngập do tác động của các công trình xây dựng. Ông có thể cho biết thêm về thực trạng này?

- Thực tế cho thấy, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng những năm gần đây đã tạo áp lực lớn tới hệ thống thoát nước toàn thành phố. Thêm vào đó, diện tích thảm cỏ, vườn hoa, công viên không còn nhiều, thay vào là mặt đường bê tông đã dẫn đến những hạn chế trong khả năng tự thấm hút khi xảy ra mưa lớn. Việc thu phí thoát nước, xử lý nước thải vốn là nguồn kinh phí quan trọng để duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện chưa thực hiện, mà chỉ sử dụng nguồn vốn ngân sách. Trong khi đó, khoản phí này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ lâu.

- Ông có thể chia sẻ về các giải pháp kỹ thuật sẽ được Công ty triển khai nhằm bảo đảm công tác thoát nước trong mùa mưa năm nay?

- Mục tiêu mà Công ty đặt ra trong mùa mưa 2017 là đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, bảo đảm thoát nước nhanh với các trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, giảm tối đa úng ngập ở các khu vực khác trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, Công ty sẽ thực hiện tốt công tác xử lý, duy trì vệ sinh môi trường các hồ trên địa bàn.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, bên cạnh việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực hoàn thành dự án xây dựng và cải tạo 3 trạm bơm phía Tây Nam Hà Nội, đưa vào vận hành, khai thác trong mùa mưa năm nay. Công ty cũng sẽ xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể 24/24 giờ cho từng vị trí, từng khu vực, đặc biệt là các điểm úng ngập trên các trục đường giao thông chính, có mật độ giao thông cao và địa hình trũng cục bộ, dễ gây ùn tắc. Ngoài ra, Công ty sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng nhằm bảo đảm công tác tiêu thoát nước mùa mưa năm nay...

- Xin cảm ơn ông!

Hương Ly