Xây dựng nếp sống văn minh, nhân ái

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 09/04/2017

(HNM) - Ngày 29-3-2017, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg “Về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.


Văn bản của Chính phủ lưu ý về tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng người nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người… có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình, những vụ bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em xảy ra gần đây đã gây ra sự lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Điều đáng lưu ý là Chỉ thị 11/CT-TTg đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không vui nói trên, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chúng ta “chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình; công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao; nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội”.

Đó là sự nhận định chính xác, nhất là về nguyên nhân liên quan tới ý thức về vai trò của gia đình trong việc xây dựng nền tảng tinh thần, đạo đức, lối sống, tình yêu thương nhằm hình thành tiền đề cần thiết cho việc bồi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên.

Trong thực tế, do không nhận thức rõ về điều đó nên nhiều gia đình xao nhãng việc giáo dục trẻ, phó mặc con cho nhà trường. Phải đối diện với nỗi lo toan thường nhật, nhiều chủ nhân gia đình bị cuốn theo dòng xoáy mưu sinh, ngay cả người dư dả tiền bạc cũng “trôi” theo cuộc sống gấp gáp. Cơ hội gặp gỡ, sẻ chia giữa các thành viên gia đình ít dần, những bài học đầu đời và sự uốn nắn về cách thức ứng xử, giao tiếp trở nên hiếm hoi, dễ để lại khoảng trống cho sự xấu chiếm lĩnh. Trẻ thiếu nền tảng được dựng xây trong gia đình, nơi có đủ tình thương yêu và sự khoan dung cũng như lời chỉ bảo để hướng tới chân - thiện - mỹ, tất yếu khi ra đời hay vào lớp học khó có được ngay lối ứng xử khoan hòa, nhân văn xuất phát từ nhận thức, như đã thành phản xạ tự nhiên.

Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vì thế, là quan trọng. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, không phải gia đình nào cũng có ý thức đúng về điều đó, hoặc có ý thức rõ ràng nhưng điều kiện không cho phép họ thực hiện điều mà mình mong muốn. Bởi vậy, trong việc hình thành lối sống đúng, nếp sống đẹp của mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ thì ngoài gia đình, nhà trường và xã hội giữ vai trò quan trọng không kém. Giữa ba thành tố nói trên, gia đình giữ vai trò tạo dựng nền tảng, nhà trường vừa dạy người vừa dạy chữ, bồi dưỡng phẩm chất, kỹ năng, và xã hội là nơi tạo cơ hội phát triển nhưng vẫn giữ cho mỗi cá nhân nhận ra bổn phận hành xử theo luật định cũng như những thỏa ước được cả xã hội thừa nhận.

Nói cách khác, khi triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề gia đình, cụ thể là Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình, điều cần có là hình thành đồng thời phong trào quan tâm xây dựng nếp sống, lối sống văn minh, nhân ái trong các nhà trường và trong toàn xã hội. Có như vậy thì chúng ta mới có thể tạo nền tảng vững chắc cho việc tiếp tục xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh - trong cả hiện tại và tương lai.

Dục Tú