Đức mạnh tay với nạn đưa tin thất thiệt
Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 09/04/2017
Dự luật của Chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh trên các trang mạng xã hội tại nước này ngày càng xuất hiện nhiều tin tức được cho là giả mạo và chứa nội dung phân biệt chủng tộc, chủ yếu nhằm vào hơn một triệu người nhập cư đến Đức trong vòng 2 năm qua cũng như nhằm vào cộng đồng người Do Thái tại đây. Vì vậy, động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận trong nước. Theo Giám đốc Viện Truyền thông thuộc Trường Đại học Birgit Stark: "Không phải vì internet là ảo mà bạn được phép phỉ báng người khác”.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tác hại ghê gớm của những thông tin bịa đặt, giả mạo gia tăng tỷ lệ thuận với sự ra đời và phát triển của các trang mạng xã hội. Vì thế, từ cuối năm 2015, nhà chức trách Đức đã buộc các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Youtube phải ký kết bộ quy tắc đạo đức, bao gồm cam kết xóa bỏ các đăng tải mang tính thù hằn khỏi các trang mạng này trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò được Bộ Tư pháp Đức công bố ngày 14-3 cho thấy, trong khi Youtube đã gỡ bỏ khoảng 90% các đăng tải vi phạm trong 1 tuần thì Facebook mới xóa bỏ và chặn khoảng 39%. Vì thế, sau 2 năm thành lập nhóm đặc nhiệm để theo dõi và xóa bỏ các phát ngôn thù hận bất hợp pháp trên internet, Chính phủ Đức đã đề xuất dự luật nói trên.
Văn bản này quy định, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đã xác thực về các nội dung giả mạo, gây thù hận, các trang mạng xã hội chủ quản sẽ phải xóa bỏ nội dung này mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Ngoài ra, đối với những khiếu nại cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, các mạng xã hội có 1 tuần để giải quyết và đưa ra câu trả lời rõ ràng với người gửi phản ánh. Nếu vi phạm quy định, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu euro.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Đức, thời gian qua, các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter mặc dù đã có những nỗ lực trong cuộc chiến chống tin tức giả mạo nhưng vẫn chưa đủ. Ông nhấn mạnh: “Không nên có chỗ dành cho sự kích động phạm tội và phỉ báng trên mạng xã hội. Điều này giống như việc không được phép có những hành động tương tự trên đường phố”.
Mặc dù dự luật này còn phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội Đức, song theo nhiều nhà bình luận, khả năng dự luật được thông qua rất cao. Với bước đi này, Đức trở thành quốc gia tiên phong tại Châu Âu tuyên chiến với nạn đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội.