Nghệ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX

Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 09/04/2017

(HNM) - “Nghệ thuật xứ An Nam” mới được NXB Thế giới, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ra mắt đã đưa đến một góc nhìn thú vị về đời sống nghệ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.


“Nghệ thuật xứ An Nam” nằm trong tủ sách “Nghệ thuật xứ thuộc địa” được Albert Maybon - một chuyên gia người Pháp, xây dựng nhằm nghiên cứu một cách hệ thống và bao quát về nghệ thuật của cư dân sinh sống tại các vùng đất từ Đông Dương đến Madagascar, Bắc Phi, Syria… Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1933, chủ yếu là trải nghiệm của tác giả Henri Gourdon khi tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống của người Việt bấy giờ. Trong đó, công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa, điêu khắc, trang trí, thủ công mỹ nghệ là điều ông để tâm hơn cả.

Cuốn sách dày 127 trang, do dịch giả Trương Quốc Toàn dịch, gồm 5 phần. Phần mở đầu, tác giả khái quát về đất nước, con người, lịch sử, xã hội và những nhân tố có ảnh hưởng đến nghệ thuật ở An Nam. Gourdon nêu những đặc điểm của tục lệ thờ cúng người thân đã mất, thành hoàng làng và quan niệm thần linh trú ngụ ở nhiều đồ vật vô tri vô giác “là một yếu tố màu mỡ thúc đẩy hoạt động sáng tạo”. Vì vậy, hoa văn trang trí trên các đình, đền thờ, đồ vật nhỏ nhất cũng như đồ thêu, hình chạm trổ trên một chiếc bình, hình chạm khắc trên tấm hoành phi… đều “mang một ý nghĩa sùng bái, thể hiện một ý tưởng thần bí, hàm chứa một quyền lực màu nhiệm”.

Ba phần tiếp theo, Gourdon đi vào nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc - hội họa, thủ công mỹ nghệ của “xứ An Nam”. Ông đưa ra cái nhìn sâu nhất về kiến trúc bởi đây là ngành nghệ thuật đầu tiên. Tác giả chú ý đến các công trình tại Huế bởi chúng còn tồn tại nhiều (140 công trình và địa điểm thờ cúng thống kê được), đồng thời dẫn các đặc điểm công trình ở những nơi khác trong nhiều cuốn sách lịch sử trước đó.

Về điêu khắc và hội họa, Gourdon cho rằng, ban đầu chúng chỉ được thể hiện trong trang trí các công trình xây dựng, là một phần của kiến trúc, rồi sau tranh tường thành tranh hội họa, phù điêu trở thành tượng điêu khắc. Ông ghi nhận: “Có một kho tàng rất dồi dào hình ảnh dân gian, bản khắc gỗ, bản in mực tàu, bản in màu đen hoặc hai ba màu luôn mang phong cách tôn giáo”. Nhiều trang viết đánh giá thấu đáo về nghệ thuật điêu khắc gỗ và nghề đúc đồng khi có những sản phẩm điêu khắc lớn. Các nghề thủ công mỹ nghệ được tác giả quan tâm là kim khí, mộc, sơn, khảm trai, gốm, dệt và thêu. Ông kết luận “nghệ sĩ tạo hình An Nam trước hết là một người thợ trang trí” với “phẩm chất tay nghề không thể phủ nhận”.

Henri Gourdon là một cây bút khách quan và thú vị. Trong nghiên cứu của mình, ông không tuyên truyền cho chính quyền thực dân mà mang lại cho độc giả những hiểu biết chung đầy ắp dữ liệu nhưng lại sắc sảo về đời sống nghệ thuật Việt Nam xưa.

Phần cuối cùng của cuốn sách, tác giả chứng minh sự biến đổi của nền nghệ thuật nước ta khi tiếp xúc với người Pháp. Ngoài việc các bảo tàng tiếp nhận hiện vật đẹp được thành lập; để thợ thủ công hành nghề độc lập thì việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tạo ra một thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc mang “trường phái An Nam thực thụ với những xu hướng và cách thức thể hiện riêng”. Điển hình là những tác phẩm tranh và trang trí của các họa sĩ Nam Sơn, Lê Phổ, Đức Thuận, tượng bán thân của Vũ Cao Đàm.

Dịch giả Trương Quốc Toàn nhận định: Cuốn sách có nhiều nội dung khó tìm thấy trước đó. Vì vậy, bạn đọc có thêm nguồn tư liệu tham khảo để đối sánh và bổ sung hiểu biết về đời sống và nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ trước.

An Nhi