Bài đầu: Muôn kiểu kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 09/04/2017

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt thực hiện quy định từ ngày 10-6-2016 phải chấm dứt hoạt động kinh doanh tại các căn hộ chung cư chỉ dùng để ở nhằm bảo vệ môi trường sống của cư dân nhưng sẽ tìm phương cách phù hợp để không gây khó khăn cho người kinh doanh.

Các ki ốt tại tầng trệt chung cư Khánh Hội 1 (quận 4) đóng cửa sau “lệnh cấm”.


Lộn xộn, thiếu an toàn là điều dễ nhận thấy khi rảo một vòng tại các chung cư có hoạt động kinh doanh trong những căn hộ dùng để ở, đặc biệt là các chung cư cũ ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Nhưng xoay quanh vấn đề này cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng đến từ người dân và doanh nghiệp trong diện điều chỉnh của Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Chung cư là... trung tâm thương mại

Ở trung tâm TP Hồ Chí Minh có nhiều chung cư nằm trên các con đường lớn như Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Thiệp… Theo ghi nhận chung, tình trạng buôn bán tại các căn hộ chung cư nơi này diễn ra rất nhộn nhịp. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, vị trí “đắc địa” do thường xuyên tập trung đông người đến vui chơi, mua sắm nên diện tích nhà ở tại các chung cư được tận dụng triệt để cho mục đích kinh doanh.

Điển hình là chung cư số 42 Nguyễn Huệ phía hướng ra phố đi bộ giống như một… trung tâm thương mại bởi tầng nào cũng san sát quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng thời trang, chụp hình, chăm sóc sắc đẹp… Vào buổi tối, khách ra vào tấp nập, gây ồn ào, thang máy liên tục nghẽn. Trong khi đó, chung cư này đã khá "già nua", hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm...

Không riêng chung cư số 42 Nguyễn Huệ, nhiều chung cư khác còn được cho thuê đặt trụ sở kinh doanh đa cấp, trung tâm đào tạo, phòng tập thể thao... Có nơi sử dụng sân thượng mở nhà hàng, quán cà phê, quán bar, vũ trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh hoạt của cư dân.

Trong vai người đi mua ki ốt để kinh doanh, chúng tôi tiếp cận người đàn ông tên Trí tại chung cư Khánh Hội 1 (quận 4). Ông Trí cho hay, chung cư này có trên 70 ki ốt ở tầng trệt (miền Bắc gọi là tầng 1), mỗi ki ốt diện tích từ 10 đến 20m2, có thể mở sạp kinh doanh, làm nhà kho hay mở văn phòng giao dịch. "Các ki ốt như căn hộ, đã có sổ hồng, được sở hữu vĩnh viễn, nếu mua, chỉ cần ra công chứng sang tên là xong", ông Trí khẳng định. Ngoài ki ốt ở tầng trệt, các tầng lửng của chung cư cũng được cho thuê làm văn phòng công ty. Theo quan sát của phóng viên, có tới gần 20 công ty đang thuê các tầng lửng đặt trụ sở giao dịch.

Còn tại chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4), nhiều đơn vị kinh doanh tận dụng diện tích tầng trệt mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, quán cà phê, cửa hàng thời trang, quán ăn... Vì vậy suốt ngày đêm người ra vào chung cư nhộn nhịp. Do có nhiều khách lạ từ bên ngoài đến, hầm giữ xe luôn chật kín, phía trên thì lấn diện tích khuôn viên chung cư để đỗ ô tô.

Theo tìm hiểu được biết, UBND các phường của quận 4 đã có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình có hoạt động kinh doanh tại các căn hộ để ở phải chuyển địa điểm kinh doanh sang nơi khác trước ngày 15-3-2017. Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các DN, hộ kinh doanh tại các chung cư trên địa bàn quận 4 vẫn chưa di dời.

Đi cũng dở, ở không xong!

Từ năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, yêu cầu các DN có đăng ký kinh doanh ở chung cư phải di dời trụ sở sang địa chỉ khác không phải căn hộ chung cư. Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố cũng đã thông báo đến khoảng 2.100 DN có hoạt động kinh doanh trong căn hộ để ở phải di dời, chỉ có các DN kinh doanh tại phần diện tích được phép của nhà chung cư theo giấy phép xây dựng mới được tồn tại.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, việc cấm kinh doanh ở căn hộ chung cư và buộc DN di dời là cần thiết, bởi căn hộ là dùng để ở chứ không phải để kinh doanh. Tuy nhiên, nên giữ lại tầng trệt sử dụng cho các hoạt động thương mại phục vụ cư dân trong chung cư. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty Địa ốc Xanh cho rằng, việc kinh doanh ở tầng trệt là cần thiết để phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân như thực phẩm, phòng tập thể thao, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, hiệu thuốc…

Mặt khác, việc kinh doanh ở tầng trệt cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân ở bên trên bởi họ không sử dụng các tiện ích chung như thang máy… Ông Đực cho rằng, việc này phải được quản lý chặt, chỉ kinh doanh trong diện tích cho phép, không được lấn chiếm lòng lề đường, không được kinh doanh các ngành nghề gây mất trật tự an toàn.

Thực tế cho thấy, người mua tầng trệt căn hộ chung cư thường phải trả giá cao hơn so với căn hộ tầng trên. Tại dự án chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4) có giá bán tầng trệt kèm 2 tầng lầu diện tích 200m2 với giá trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Phong chỉ mua tầng trệt căn hộ ở đây và phải trả mức giá gấp 3 lần giá các tầng trên. Ông Phong cho biết, phần lớn những người muốn sở hữu tầng trệt chung cư đều có nhu cầu kinh doanh. "Nếu không lấy một phần diện tích để cho thuê hay buôn bán, không dại gì người ta bỏ ra số tiền chênh lệch lớn như vậy. Đối với những chung cư có mặt tiếp giáp các tuyến đường, tầng trệt chung cư cũng như nhà phố, nếu cấm kinh doanh là bất hợp lý", ông Phong nêu quan điểm.

Anh Minh, cư dân tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 (đường Trần Xuân Soạn, quận 7) cũng cho rằng, cần cho phép kinh doanh tại tầng trệt để phục vụ nhu cầu cư dân trong chung cư. “Cư dân ở chung cư rất cần các tiện ích sinh hoạt như siêu thị, phòng tập thể thao… Chưa kể, việc có đủ tiện ích cư dân không phải ra ngoài, tiết kiệm được thời gian, đỡ gây kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm...”, anh Minh nói. Còn chị Hiền (cư dân tại chung cư Sky Garden 3, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7) cho rằng, cần quy định tuyệt đối không được kinh doanh quán nhậu, quán bar tại chung cư bởi sẽ gây mất an ninh trật tự.

(Còn nữa)

Nguyễn Lê -Đặng Loan