Người đẹp "xé rào" tham dự các cuộc thi quốc tế
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 10/04/2017
Ngày 30-3, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh nhận được công văn hỏa tốc từ Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu triệu tập thí sinh Nguyễn Thị Thành (sinh ngày 4-6-1996, Bắc Ninh) để ngăn chặn việc thí sinh tự ý tham dự cuộc thi Hoa hậu Môi trường Quốc tế (Miss Eco International 2017) tại Ai Cập từ ngày 1 đến 14-4. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, một đơn vị đã xin phép cho Nguyễn Thị Thành tham dự cuộc thi này nhưng thí sinh chưa từng đoạt danh hiệu cuộc thi nào trong nước, lại từng làm giả hồ sơ bị tai nạn và phẫu thuật thẩm mỹ để tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Tuy nhiên, thí sinh này đã lên đường sang Ai Cập tham dự cuộc thi từ trước ngày 31-3 và hiện đã lọt tốp 10 hoa hậu tài năng. Do không thể triệu tập được Nguyễn Thị Thành cũng như công ty quản lý, Sở đã giao cho Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh điều tra và sẽ có kết luận chính thức về sai phạm của thí sinh Thành và xem xét xử lý vụ việc theo đúng trình tự pháp luật Việt Nam sau khi thí sinh này trở về nước.
Trước Nguyễn Thị Thành, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh đã quyết định xử phạt người mẫu Ngô Thị Quỳnh Mai (Mai Ngô) vì đã dự thi Người mẫu Châu Á (Asia’ Nextop Model) tại Singapore mà không xin phép.
Theo thống kê, mỗi năm Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh xử phạt từ 5 đến 10 trường hợp thí sinh ra nước ngoài tham dự cuộc thi quốc tế mà không xin phép. Mức xử phạt thường dao động từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nên các thí sinh sẵn sàng chấp nhận vi phạm để có danh hiệu quốc tế, thậm chí được nổi tiếng trong nước nhờ “án phạt”.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia, việc cấp phép cho thí sinh tham dự cuộc thi sắc đẹp có cơ chế dễ dàng hơn, phần lớn các thí sinh được tham gia cuộc thi quốc tế theo đề cử của công ty quản lý. Ngay cả cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 sẽ tổ chức tại Việt Nam vào tháng 6-2017 tới đây, các thí sinh đại diện cho các quốc gia ASEAN chỉ cần là đối tượng được đề cử của các công ty quản lý. Riêng đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam thì buộc phải là thí sinh từng đoạt danh hiệu hoa khôi, á khôi các cuộc thi trong nước. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, với các cuộc thi mang tính đại diện quốc gia thì các thí sinh bắt buộc phải có hồ sơ xin phép. Thí sinh được cấp phép bắt buộc phải là hoa hậu, á hậu các cuộc thi sắc đẹp để bảo đảm thẩm định về chất lượng. Ngoài ra, thí sinh còn phải được thẩm định về lý lịch, để bảo đảm không vi phạm tư cách đạo đức, không vi phạm pháp luật.
Theo bà Nguyễn Thế Thanh - Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, có hai nguyên nhân dẫn đến việc người mẫu, người đẹp Việt Nam kéo nhau đi thi "chui". Thứ nhất là do quy định làm thủ tục cấp phép xin tham dự cuộc thi quốc tế của chúng ta còn rắc rối, quy trình thẩm định kỹ càng, hầu hết thí sinh trẻ không đạt yêu cầu sẽ không được cấp phép nên chọn cách đi thi "chui" để tìm kiếm danh hiệu. Thứ hai, cơ quan quản lý chưa có động thái xử phạt nghiêm khắc. Để giảm tình trạng trên, bà Thanh cho rằng cơ quan chức năng cần tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để tuyên truyền tới các người đẹp, người mẫu về ý thức tuân thủ quy định pháp luật. Cần có quy định xử phạt thích đáng người vi phạm cũng như công ty đề cử, như cấm hoạt động biểu diễn, hoạt động nghệ thuật có thời hạn hoặc cấm hoạt động vĩnh viễn để đưa ra bài học răn đe.