Bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 10/04/2017

(HNM) - Thực hiện Thông tư 53/2016/TT-BCA ngày 28-12-2016 của Bộ Công an (có hiệu lực ngày 15-2-2017), nhiều tỉnh, thành bắt đầu triển khai tiếp nhận khai báo làm thủ tục tạm trú của người nước ngoài qua mạng internet. Sau 5 năm thí điểm, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh (PA72) cho rằng đây sẽ là bước đột phá về cải cách hành chính bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh (PA72) cho biết, thành phố đã triển khai thí điểm tiếp nhận khai báo tạm trú qua mạng internet cho người nước ngoài cách đây 5 năm. Với hệ thống này, chỉ cần “click” chuột đăng ký, chủ các cơ sở lưu trú có thể thực hiện được việc khai báo tạm trú ngay tại cơ sở của mình, không phải trực tiếp đến công an phường, xã, thị trấn để thực hiện khai báo thủ công như trước đây. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Ngoài ra, khai báo tạm trú qua mạng có thể thực hiện bất cứ lúc nào khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú mà không mất phí.

Giải pháp này đã mang lại ích lợi rất lớn, đặc biệt cho các công ty du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn... Ông Trần Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Viking Việt Nam cho biết, sử dụng hệ thống này, đơn vị chỉ cần "click" chuột khai báo cho du khách 5 thông tin, bao gồm: Họ tên, năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu và giới tính là đủ, rất đơn giản và thuận tiện.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty Du học Minh Nguyệt cho rằng, từ khi có hệ thống quản lý thông tin tạm trú của người nước ngoài qua mạng, công ty đỡ mất thời gian đi khai báo tạm trú cho nhân viên người nước ngoài mỗi khi đến làm việc dài ngày. Cũng theo chị Minh Nguyệt, đây là bước đột phá khi áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn và từng bước đưa công tác đăng ký, quản lý lưu trú người nước ngoài đi vào nền nếp.

Còn anh Lê Hồng Quang (ở tại 123/24, đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) thì chia sẻ, gia đình anh có người thân là Việt kiều sinh sống ở Australia, mỗi lần họ về nước, gia đình phải đến Công an phường 9 khai báo, rất mất thời gian. Từ khi triển khai hệ thống khai báo thông tin tạm trú của người nước ngoài qua mạng internet, thuận tiện hơn rất nhiều.

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh, giải pháp trên là một bước cải cách hành chính, không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú giảm thời gian, công sức mà còn giúp lực lượng chức năng chủ động, kịp thời trong công tác quản lý người nước ngoài tạm trú tại địa phương, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Sau 5 năm thí điểm, tính đến thời điểm này, hệ thống khai báo qua mạng đã tiếp nhận thông tin đăng ký của hơn 1.200 cơ sở lưu trú (nơi chiếm 93% số người nước ngoài đến ở và khai báo tạm trú hiện nay tại TP Hồ Chí Minh).

Tại hội nghị tập huấn triển khai chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý và khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài trên mạng internet mới đây ở TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh, Bộ Công an nêu rõ, đây là một biện pháp tích cực để thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh... Đến nay, đã có 63 tỉnh, thành đồng loạt triển khai hệ thống khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú và quản lý thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam qua mạng.

Thanh Tàu