Lấp “lỗ hổng” trong quản lý nợ công

Tài chính - Ngày đăng : 06:58, 10/04/2017

(HNM) - Những con số nợ công luôn là vấn đề quan trọng trong phát triển của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý nợ công hiện nay vẫn tồn tại không ít “lỗ hổng”.

Siết chặt quản lý nợ công sẽ phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay phát triển đất nước.


Nợ công chưa hết "nóng"

Nợ công chưa bao giờ hết "nóng", nhưng công tác quản lý nợ công vẫn tồn tại không ít lỗ hổng. Trong phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tại Hà Nội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua hơn 6 năm thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước. Luật tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thông qua cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ đối với các doanh nghiệp thực hiện những dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý nợ công thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa hiệu quả. Phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh, dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ... Nguyên nhân dẫn tới nợ công có nhiều, nhưng nổi lên là tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công...

Cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công

Bởi vậy, cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công là cần thiết để phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan. Đồng thời, sửa đổi luật cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến phạm vi, công cụ quản lý nợ công, quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công là một đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh, tại nhiều nước trên thế giới, nợ công thường được đưa về một đầu mối quản lý. Nhưng, điều này không có nghĩa là đầu mối này có quyền “ban phát” vốn nhà nước mà phải đưa ra các quy tắc, phương pháp để quản lý nợ công. Đầu mối này cũng sẽ có giải pháp buộc các cơ quan nhận vốn vay phải có phương án sử dụng hiệu quả và chịu trách nhiệm với đồng vốn đó, giúp việc quản lý nợ công khoa học, chặt chẽ hơn.

Đối với vay nợ của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo Luật Doanh nghiệp nhưng không được đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp như Vinachem, Vinashin, TKV… thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Với những doanh nghiệp này, cần giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ chứ Chính phủ không thể đứng ra gánh thay. Bởi thế, trong Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã kế thừa quy định hiện hành và bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Với những điều khoản mới trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ bị loại ra khỏi nợ công, nhưng, các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh tại các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nợ công. Bởi vậy, cần thiết đề cập tới giám sát nợ doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo luật. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, để khắc phục những bất cập trong Luật Quản lý nợ công, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay trả nợ công, cũng như các vấn đề liên quan đến huy động vốn vay, vay về cho vay lại, cấp bảo lãnh cho Chính phủ, quản lý rủi ro nợ công…

Hà Linh