Lời cảnh báo không thừa
Bất động sản - Ngày đăng : 07:10, 11/04/2017
Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cần theo dõi, điều chỉnh, như: Cơ cấu hàng hóa BĐS chưa cân đối, trong khi nhu cầu đại đa số người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp thì trên thị trường, phần nhiều dự án lại cung cấp hàng hóa cao cấp; hay là tình trạng phát triển ồ ạt dự án mà không căn cứ kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong khi việc phát triển nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ chưa được đáp ứng...
Còn nhớ, việc phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mất cân đối cung - cầu, nhà ở giá rẻ đáp ứng nhu cầu đại đa số người dân thì thiếu, nhà ở cao cấp để đầu cơ thì nhiều... từng là nguyên nhân gây bất ổn cho thị trường BĐS giai đoạn vừa qua. Hết tăng trưởng "nóng" rồi chuyển sang "đóng băng"; tồn kho BĐS lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đe dọa đến cả nền kinh tế... Chính phủ đã phải mạnh tay cắt giảm, giãn tiến độ hàng loạt dự án không phù hợp nhu cầu thị trường; đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ... nhờ đó đã khắc phục lệch pha cung - cầu, giảm dần tồn kho, làm "ấm" lại thị trường BĐS.
Vì vậy, cảnh báo của Hiệp hội BĐS về những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường BĐS chắc chắn không thừa. Các doanh nghiệp BĐS cần ý thức cùng cộng đồng giải quyết những vấn đề tồn tại của thị trường, nhằm góp phần cân đối cơ cấu hàng hóa, thực hiện đúng định hướng phát triển thị trường của Nhà nước...
Cùng với đó, cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở trung bình, thấp và cao cấp trong kế hoạch phát triển chung của từng địa phương để điều tiết, cân đối sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường; điều tiết tín dụng hợp lý, tránh tập trung vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư, cũng như tránh việc thay đổi chính sách tín dụng đột ngột để bảo đảm sự ổn định, bền vững cho thị trường BĐS.