Kết hợp nhiều giải pháp

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:43, 12/04/2017

(HNM) - Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm việc nâng cao chất lượng dân số, chú trọng phát triển thể chất, tầm vóc con người, song so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thể lực và tầm vóc người Hà Nội còn thua kém rõ rệt

Cần chi tiết, cụ thể hơn

Đề cập sự cần thiết phải xây dựng đề án “Phát triển thể chất, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, trước năm 1950, chiều cao trung bình của người Nhật xấp xỉ người Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây người dân “đất nước Mặt trời mọc” lại sở hữu chiều cao đáng nể. Chỉ trong vòng 20-30 năm, người Nhật đã tăng 10cm chiều cao. Còn ở Việt Nam, kết quả điều tra về dinh dưỡng năm 2010 cho thấy, sau 35 năm người Việt chỉ cao thêm 4cm. Năm 2015, chiều cao người trưởng thành ở nam mới đạt 164,4cm và nữ 153,4cm; thấp hơn chiều cao trung bình của thế giới 15,4cm đối với nam và 10,3cm đối với nữ.

Hoạt động thể dục, thể thao góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tầm vóc thanh thiếu niên.



Ông Nguyễn Đình Lân cho biết thêm, một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2010 với hơn 1.500 người từ 6 tuổi trở lên sống ở 4 quận, huyện (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Vì, Mỹ Đức) cho thấy, sau 10 năm, chiều cao của người Hà Nội tăng 2-3cm (nam cao 166cm, nữ 155cm). Số liệu điều tra sơ bộ tại 30 quận, huyện, thị xã năm 2016 cũng cho thấy, chiều cao trung bình của học sinh lớp 12 đối với nam là 166cm, nữ 156cm. Dù tầm vóc của thanh niên trên địa bàn TP Hà Nội nhỉnh hơn so với mặt bằng chung của cả nước, song vẫn thấp hơn so với những nước phát triển trong khu vực. Chính vì vậy, mục tiêu của đề án đề ra là phát triển thể chất, tầm vóc người Hà Nội trong 10-15 năm tới tương đương với các nước trong khu vực; nâng cao chất lượng giống nòi; bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, đề án là để thực thi chứ không phải đem “cất vào tủ”, nên phải cụ thể hơn nữa. Theo đó, cần có một cuộc điều tra tổng thể, chỉ ra nguyên nhân, vấn đề nằm ở đâu trong việc phát triển tầm vóc người dân Thủ đô. “Chúng ta cần xây dựng đề án thật chi tiết, không nên chung chung dựa theo các số liệu, kết quả từ cuộc điều tra trước đây, từ đó mới đề ra được những giải pháp cụ thể, đặc thù ở từng vùng” - GS.TS Nguyễn Đình Cử đề xuất.

Theo ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Thể thao quần chúng (Sở VH-TT Hà Nội), đề án này đã bám sát đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu chúng ta cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030, chiều cao của nam thanh niên Hà Nội là 168,5cm, nữ 157,5cm thì tầm vóc của người dân Thủ đô chẳng khác gì người dân các tỉnh miền núi: Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên… Trong khi đó, điều kiện sống của người dân Hà Nội tốt hơn rất nhiều.

Coi trọng thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí

Đại diện nhiều sở, ngành cho rằng, để đề án đạt được mục tiêu đề ra thì cần xây dựng các chương trình cụ thể. Chẳng hạn, chương trình “sữa học đường” trẻ được đáp ứng như thế nào, hoạt động thể chất diễn ra bao nhiêu giờ/ngày, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai ra sao… Ông Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ, theo nhiều nghiên cứu, trong giai đoạn 3 năm đầu đời của một đứa trẻ sẽ quyết định tương lai của cả cuộc đời. Khi một phụ nữ mang thai khỏe mạnh sẽ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh. Do đó, muốn nâng cao tầm vóc của người dân, ngay từ bây giờ phải tập trung vào đối tượng phụ nữ mang thai.

Còn theo ông Đinh Văn Luyến, ở các nước trên thế giới tập trung phát triển chiều cao ở trẻ từ khi còn học mẫu giáo, tiểu học. Họ tập trung xây dựng phòng giáo dục thể chất, sân thể thao, bể bơi ngay tại các trường tiểu học, trường mẫu giáo. Ngược lại, ở Việt Nam chỉ tập trung xây dựng nhà tập thể chất tại các trường THPT, trường đại học, còn bậc tiểu học lại bị lãng quên. Vì vậy, trong đề án nên bổ sung một số phương pháp dạy thể dục chính khóa và tăng cường hoạt động ngoại khóa cho hệ thống các trường phổ thông theo hướng coi trọng thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí, đối tượng được ưu tiên là trẻ em các trường mầm non và học sinh tiểu học.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015”, Sở Y tế được giao tiếp tục hoàn thiện đề án phát triển tầm vóc người Hà Nội. Sau cuộc họp này, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình UBND TP Hà Nội trong tháng 4. Khi triển khai, nguồn kinh phí thực hiện đề án sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, xã hội hóa…

Thu Trang