Bài đầu: Lộ rõ bất cập

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 12/04/2017

(HNM) - LTS: Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả không nhỏ về môi trường và xã hội. Xác định rõ nguyên nhân để xây dựng giải pháp lập lại trật tự, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các cấp, các ngành TP Hà Nội.

Bãi chứa cát ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, hoạt động tấp nập.


Tình trạng khai thác cát trái phép khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý vi phạm. Tuy nhiên, cát tặc vẫn âm thầm hoặc ngang nhiên hoạt động, thậm chí tình trạng khai thác cát trái phép có dấu hiệu trở nên "nóng" hơn. Thực tế này cũng đã làm lộ rõ những bất cập trong công tác quản lý...

Ngổn ngang vi phạm

Đại tá Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết: Lợi dụng địa bàn giáp ranh, trước đây nhiều tàu, thuyền thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và một số tàu, thuyền của doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy bất chấp quy định pháp luật để khai thác cát trái phép. Đáng nói, nhiều phương tiện tàu, thuyền không tên, không số hoặc liên doanh, liên kết khai thác cát không đúng quy định… Tương tự, trên địa bàn huyện Thường Tín, không có doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lê Văn Quang, tại vùng giáp ranh luôn có hàng chục tàu, thuyền nằm ở địa phận tỉnh Hưng Yên, chờ sự lơi lỏng của cơ quan chức năng TP Hà Nội là tràn sang khai thác trộm.

Ngoài tình trạng khai thác cát trộm làm “nóng” địa bàn, hoạt động của các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng đang gây ra nhiều bức xúc với người dân địa phương. Bà Lê Thị Bé, ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) cho biết, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền chấm dứt hoạt động các bãi chứa ven sông, bởi ban ngày thì xe vận chuyển cát gây bụi mù mịt, ban đêm các tàu xúc cát lên bãi gây ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hơn 200 hộ dân xung quanh. Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Phú Xuyên Phùng Văn Thạch, hiện trên địa bàn huyện còn 5 bãi chứa hoạt động, không chỉ vi phạm hành lang thoát lũ mà còn sử dụng nhiều xe quá tải trọng, gây hư hỏng nhiều đoạn đê.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Xuân Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 173 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động trái phép, với tổng diện tích 148,23ha. Hoạt động của các bến bãi đều vi phạm Luật Đê điều. Đặc biệt, việc chủ bãi cho sử dụng ô tô tải trọng lớn vận chuyển cát sỏi dẫn đến nhiều tuyến đê trên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ba Vì... đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

Qua công tác điều tra cơ bản, Công an thành phố xác định trên địa bàn Hà Nội còn 82 tụ điểm phức tạp về mua - bán cát, sử dụng đất đai, chấp hành quy định bảo vệ môi trường… tập trung tại 17 quận, huyện, thị xã… Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Công an huyện đã xác định trên địa bàn còn 6 tụ điểm phức tạp về kinh doanh cát sỏi, sử dụng đất đai… tại các xã Thọ An, Thọ Xuân, Liên Hà, Liên Trung. Tại các tụ điểm này có dấu hiệu của việc mua - bán "cát bẩn", không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xã Liên Hà có hai điểm “nóng”, trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Du lịch thương mại Tuấn Quỳnh đã tự ý sử dụng 1.299m2, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hiếu Hưng sử dụng 2.240m2 đất mái kè Liên Trì, đất hành lang bảo vệ đê để tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng...

Vì sao khó xử lý?

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm môi trường (Công an TP Hà Nội), khác với Hà Nội, cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép khai thác bãi nổi, 5 tỉnh giáp ranh Thủ đô lại cấp giấy phép cho 19 tổ chức khai thác cát lòng sông. Những năm qua, do các địa phương chưa làm tốt công tác phân định mốc giới nên có tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát ở địa giới của Hà Nội, điển hình là địa bàn huyện Phúc Thọ. Ở địa bàn giáp ranh, cơ quan công an khó kiểm tra, bắt giữ tàu, thuyền khai thác cát trái phép vì thiếu thiết bị định vị, đối tượng thường trốn tránh bằng cách di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác...

Đối với hoạt động nạo vét luồng đường thủy, tận thu sản phẩm, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho biết thêm, Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 quy định về nạo vét luồng đường thủy, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm tồn tại nhiều bất cập, gây khó cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo quy định, các tổ chức thực hiện nạo vét luồng đường thủy, vùng nước cảng… phải báo cáo định kỳ sản lượng nạo vét thu hồi sản phẩm với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản giao rõ trách nhiệm cơ quan nào thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng cát thu hồi…

Bên cạnh đó, do chưa xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền để xử lý vi phạm; một số tàu, thuyền vi phạm chính là nơi cư trú của gia đình đối tượng… nên các cơ quan chức năng khó thực hiện việc tịch thu phương tiện. Một nguyên nhân khác, trong các quy định liên quan về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên các cơ quan bảo vệ pháp luật gặp khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm...

(Còn nữa)

Kim Văn