Một triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Mục tiêu khả thi

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:16, 12/04/2017

(HNM) - Sáng 11-4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) họp báo công bố một số chỉ tiêu phản ánh tình hình phát triển doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó mức tăng lợi nhuận của doanh nghiệp giai đoạn 2010-2015 đạt 7,5%, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn 2005-2010.

Không ít doanh nghiệp thành lập mới chưa thật sự hoạt động ổn định. Ảnh: Linh Ngọc


Tuy nhiên, với con số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016, hầu hết các ý kiến cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 đạt một triệu doanh nghiệp là khả thi...

Mức tăng lợi nhuận còn thấp

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2016, cả nước có 477.808 doanh nghiệp (DN), tăng 8% so với năm 2015, trong đó số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục 110.100 DN. Số lượng DN ở vùng trung du miền núi phía Bắc tăng 20,2%, ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 18,3%, ở Đông Nam Bộ tăng 15,4%. Tuy nhiên, số DN ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước cũng rất lớn, với 19.917 DN, tăng 27,3%. Đặc biệt, năm 2016, có 26.689 DN hoạt động trở lại sau một thời gian ngừng hoạt động, 12.478 DN hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 31,8%. Rõ ràng, cùng với số DN đăng ký thành lập mới đạt mức cao so với những năm trước thì số lượng DN "biến mất" cũng không nhỏ. Điều đó cho thấy các DN chưa thật sự vượt qua khó khăn.

Về tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2015 đạt 552.700 tỷ đồng, tổng vốn thu hút đạt 23.656 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 14.949 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận tăng 19%, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực DN là 746,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%. Giai đoạn 2000-2015, mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực DN tăng 19%, thấp hơn so với mức tăng tổng nguồn vốn là 22,8% và doanh thu 21,6%. Ngoài ra, mức tăng lợi nhuận DN giai đoạn 2010-2015 đạt 7,5%, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn 2005-2010 (đạt 24,1%). Như vậy sau 5 năm, mức tăng lợi nhuận DN đã giảm gần 60% và còn thấp hơn so với tiềm năng theo đánh giá của ngành chức năng.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, lợi nhuận của các DN tăng thấp là do DN chỉ tăng nhanh về quy mô, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, mặc dù số lượng DN lớn, nhưng hơn 97% là DN vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu nên hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn... Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó năm 2015 là năm đầu tiên nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, vì thế hiệu quả hoạt động của DN thấp cũng là dễ hiểu. Với các biện pháp tháo gỡ của Chính phủ và các ngành chức năng như giảm thuế, gia hạn thuế... DN đã bước đầu vượt qua thời kỳ khó khăn.

Có thể đạt một triệu doanh nghiệp

Nếu nhìn vào số DN đang hoạt động, số DN thành lập mới trong riêng năm 2016 thì như nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020 cả nước có thể đạt một triệu DN. Bởi, hiện nay Chính phủ có nhiều bước đột phá với nhiều giải pháp để thúc đẩy hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo. Ngoài ra, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, ngày 28-4-2016, của Chính phủ được coi là “cú hích” quan trọng để DN phát triển. Bên cạnh đó, Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, cũng khẳng định Việt Nam mong muốn là quốc gia khởi nghiệp, biến ý tưởng khởi nghiệp thành dự án thành công.

Một triệu DN, có vẻ xa vời, khi hiện tại con số thực tế mới chỉ đạt gần 48%, nhưng với tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng với niềm tin của các DN vào chính sách kinh tế và những hỗ trợ từ Chính phủ, mục tiêu này có thể trong tầm tay. Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là Nghị định 59/NQ-CP ngày 7-7-2016... là cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu đạt một triệu DN trong năm 2020, trong đó DN vừa và nhỏ chiếm 90%. Song, để đạt được con số này, cần giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách, thuế, vốn cho việc chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành DN.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có cuộc gặp mặt lần thứ 2 đối với các DN trên toàn quốc; các cơ quan chức năng cũng sẽ tới các tỉnh, thành phố để đánh giá, nhận xét tiêu chí của Nghị quyết 35/NQ-CP chuẩn bị cho cuộc gặp các DN sắp tới.

Liên quan đến việc DN thành lập mới trong quý I-2017 tăng mạnh, nhưng GDP tăng chậm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, DN mới đăng ký kinh doanh thường chưa hoạt động hiệu quả ngay, chưa có đóng góp nhiều vào nền kinh tế. GDP quý I-2017 là kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý trước. Hơn nữa, theo Tổng cục Thống kê, 59% DN thành lập năm 2016 chưa có doanh thu. Tính đến nay, cả nước chỉ có 570.000 DN đang thực sự hoạt động và đóng góp vào nền kinh tế.

Hà Linh