Hà Nội nên phát triển thành trung tâm bào chế dược liệu
Chính trị - Ngày đăng : 08:41, 12/04/2017
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cùng dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có truyền thống quý báu trong y học cổ truyền (YHCT) và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối chung là phát triển y học hiện đại kết hợp với YHCT.
Đất nước ta có trên 5.000 cây thuốc quý, nhiều loại dược liệu và sinh vật khác nhau, có thể làm nhiều bài thuốc chữa bệnh cho người dân. Đây có thể coi là một thế mạnh ở tất cả các địa phương trong cả nước, kể cả Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, An Giang..., giúp phục vụ nhân dân trong nước và xuất khẩu.
Để phát huy nguồn lực từ dược liệu và YHCT, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức nhằm đưa ra nhận thức đúng về vấn đề này cùng với các chủ trương, biện pháp để phát triển dược liệu và YHCT Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong việc trồng, khai thác, chế biến dược liệu ở nước ta hiện nay như: nguồn lực để đào tạo, chế biến sản phẩm từ dược liệu còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường to lớn; hiệu quả từ sản xuất, chế biến thấp, không có "đầu ra", dẫn đến nguy cơ thất thoát, cạn kiệt nhiều dược liệu quý; việc nghiên cứu vận dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa theo kịp các nước trong khu vực.
"Đặt vấn đề ra như vậy để thấy rằng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển YHCT, dược liệu, coi đây là kho báu để phát triển. Các đại biểu dự Hội nghị sẽ cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp tạo bước đột phá để phát triển nguồn tiềm năng to lớn này của đất nước, để dược liệu góp phần giúp người dân ấm no, hạnh phúc, giàu có hơn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. |
Tiếp đó, báo cáo tóm tắt về phát triển dược liệu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nước ta có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó, gần 200 loài có tiềm năng khai thác và trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu như: quế, hồi, hoè, nghệ, Actiso.... Việc trồng cây dược liệu cũng cải thiện đáng kể đời sống của các hộ nông dân khi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-5 lần so với trồng một số cây nông nghiệp như: lúa, ngô, sắn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, qua kiểm tra, dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu thông trên thị trường, chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền khó kiểm soát, dược liệu không đồng đều về chất lượng... Năm 2016, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy 2.724 mẫu dược liệu để kiểm tra chất lượng và phát hiện 374 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỷ lệ 13,73%. Riêng Đoàn kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên toàn quốc của Bộ Y tế đã lấy tổng 165 mẫu để kiểm tra, phát hiện 104 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, có hiện tượng xuất khẩu "lậu" nhiều dược liệu và tình trạng vận chuyển, xuất khẩu dược liệu tự nhiên qua biên giới theo đường tiểu ngạch đã ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cây thuốc, làm suy giảm đa dạng sinh học và có nguy cơ làm biến mất nhiều loài cây thuốc quý hiếm cùng với vốn tri thức bản địa về những loài cây thuốc quý đó.
Cần một "nhạc trưởng" quy hoạch vùng trồng dược liệu
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Dược liệu Việt Nam cho rằng đã đến lúc phải làm rõ về dược liệu sạch, dược liệu Việt để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và phải coi đây là đối tượng ưu tiên phát triển tại Việt Nam.
Lãnh đạo Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam chia sẻ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang gây nhiều rủi ro cho người trồng dược liệu. Các doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu rủi ro khi thất thoát, khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu dược liệu... Do đó, Chính phủ cần có quy hoạch phát triển dược liệu theo vùng, theo từng loài cây và trên hết, cần một "nhạc trưởng" để quy hoạch, xác định đầu mối, nhu cầu và các vùng trồng dược liệu. Vị trí này được đề nghị giao cho Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) và nên huy động 20-25 cây có doanh thu lớn để đầu tư phát triển như ba kích, sâm Ngọc Linh, quế, tam thất...
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty cổ phần Traphaco cho rằng, Việt Nam đang thiếu các mô hình phát triển dược liệu phù hợp với thị trường. Qua thực tiễn thu, mua, sản xuất dược liệu, đại diện Traphaco cho biết, nhu cầu dược liệu hàng năm không giống nhau và khó dự đoán, dẫn đến nhiều đơn vị, nhiều người mạo hiểm trong kinh doanh. Cụ thể, nếu dược liệu thiếu, đắt đến mấy cũng phải mua nhưng nếu thừa thì cho cũng không được, phải tốn tiền tiêu huỷ. Do đó, nếu không có mô hình liên kết giữa người sản xuất, người sử dụng dược liệu thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ thất bại.
Dược liệu bị "nhái", bị làm giả vẫn khá phổ biến
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tham luận tại Hội nghị |
Tham luận về vấn đề quản lý chất lượng và nguồn gốc dược liệu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hàng năm, TP chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tiến hành kiểm tra thường xuyên. Qua kiểm tra các cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng YHCT, có khoảng 8-10% mẫu dược liệu không đạt yêu cầu, chủ yếu do độ ẩm, điều kiện bảo quản không đạt yêu cầu, dược liệu có nhiều tạp chất…
Năm 2015-2016, Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 35 cơ sở bán buôn, bán lẻ dược liệu, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở (trong đó có 4 cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh) với số tiền trên 270 triệu đồng. Sai phạm chủ yếu ở các cơ sở này là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, không đạt tiêu chí về độ ẩm, sổ sách ghi chép không đầy đủ.
Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 15 vụ, tịch thu khoảng 6 tấn dược liệu không bảo đảm chất lượng. Cũng trong thời gian này, Sở Y tế kiểm tra 27 cơ sở khám chữa bệnh YHCT, xử phạt 18 cơ sở với số tiền trên 500 triệu đồng, chủ yếu sai phạm về cơ sở vật chất, nhân sự, quảng cáo…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, tình trạng dược liệu không bảo đảm chất lượng, bị làm giả còn phức tạp và khá phổ biến.
Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Hà Nội trong quản lý dược liệu là dược liệu đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng thuốc nam còn ít, khó kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, dược liệu trong nước chủ yếu do các hộ nông dân trồng và thu hái, số lượng không đáp ứng yêu cầu.
Hà Nội nên phát triển thành trung tâm bào chế dược liệu
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ tập hợp tất cả những thông tin được đưa ra tại Hội nghị để có văn bản chỉ đạo phát triển ngành dược liệu Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rằng, với tiềm năng to lớn về dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm, tại 63 tỉnh thành trong cả nước nếu biết trồng, chế biến, khai thác dược liệu hợp lý thì không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu cho người dân.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những thành phố có số lượng người tiêu dùng đông nên định hướng phát triển thành những trung tâm bào chế, sản xuất thành phẩm có giá trị cho ngành dược liệu, hình thành ngành công nghiệp từ dược liệu.
Trên cơ sở những quan điểm, định hướng đã đưa ra, Thủ tướng nêu một số giải pháp cụ thể thời gian tới. Đó là phải có những chính sách đặc thù để phát triển ngành dược, cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng một số bộ liên quan xây dựng cơ chế này.
Song song với đó, các địa phương cần thu hút, đặt nhà máy chế biến ở những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn, có thị trường; nghiên cứu hình thành các trung tâm dược liệu ở miền Bắc - Trung - Nam và Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất một số chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp dược, cây dược liệu Việt Nam trong thời gian tới; chú trọng bảo tồn nguồn gen, dược liệu quý hiếm; lựa chọn loại dược liệu, bài thuốc cổ truyền có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, hỗ trợ ưu đãi; tiếp tục triển khai chương trình phát triển YHCT kết hợp với y học hiện đại.
Thủ tướng tin tưởng, sau hội nghị, những chủ trương, chính sách, giải pháp mới được đưa ra sẽ giúp dược liệu Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng dược liệu có chất lượng cao, gắn với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.