Mạch nguồn chảy mãi...

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 13/04/2017

(HNM) - Năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội đã có hàng trăm căn nhà tình nghĩa được sửa chữa, xây mới; hàng nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao tặng… người có công.

Chăm sóc y tế tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Quà tặng đời người

Trong ngôi nhà mới vừa dọn vào cách đây ít tháng, bà Hồ Thị Chức (tổ dân phố Yên Thành, phường Biên Giang, quận Hà Đông), vợ bệnh binh Trịnh Văn Lịch, miệng cười mà mắt đỏ hoe. Bà nói: “Khó tả hết cảm xúc khi biết tin Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới. Xúc động, biết ơn và tự hào lắm! Ông nhà tôi là bệnh binh mất tới 61% sức lao động. Gia đình thuần nông nên kinh tế cũng có phần khó khăn. Lo nhất với chúng tôi là các con đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà nhà ở chật, xuống cấp. Giờ đây, nhờ các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây mới. Nếu không chẳng biết đến bao giờ…”.

Gia đình bà Hồ Thị Chức là một trong 34 trường hợp ở quận Hà Đông; 378 trường hợp trên toàn thành phố được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở trong năm 2016. Ngoài ra, từ nhiều nguồn hỗ trợ xã hội hóa khác, hàng trăm ngôi nhà xây mới mái ngói đỏ tươi; những căn hộ mái bằng, quét màu sơn xanh mát rượi… đã và đang dần thay thế những mái nhà ọp ẹp, xuống cấp cho nhiều hộ gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng. Vì thế với nhiều người, sự trợ giúp này được ví như “quà tặng đời người”, món quà giúp họ không còn ngại nắng mưa, bão gió, yên tâm ổn định cuộc sống.

Không chỉ có vậy, sự hỗ trợ, động viên kịp thời dành cho các đối tượng chính sách, gia đình có công đã làm họ thêm ấm lòng vì hiểu đất nước chưa bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của bản thân và gia đình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Đào Văn Cần (thôn Thọ Vực, xã Đội Bình, Ứng Hòa), thân nhân liệt sĩ Đào Văn Nhật, xúc động nói: “Gia đình tôi sống trong căn nhà cũ đã dột nát, xiêu vẹo. Nay nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà giấc mơ có căn nhà sạch đẹp, khang trang đã thành hiện thực. Cháu tôi cứ thắc mắc: "Có nhà mới thích mà! Sao ông lại khóc?”.

Lan tỏa tinh thần đền ơn, đáp nghĩa


Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (2005-2016), bằng những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, đã có trên 800 nghìn người trên địa bàn thành phố được Nhà nước công nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Đời sống NCC ở Hà Nội tiếp tục được nâng lên, không còn hộ gia đình khó khăn.

Hiện nay thành phố có 5 trung tâm điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCC, trong đó 4 trung tâm điều dưỡng luân phiên và 1 trung tâm thực hiện 2 nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên. Trong năm 2016, đã điều dưỡng luân phiên cho 39.432 lượt NCC, trong đó điều dưỡng tập trung tại các trung tâm là 12.441 lượt, điều dưỡng tại gia đình là 26.991 lượt... Cùng với đó, hàng nghìn việc làm nghĩa tình hướng tới các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách đã và đang làm ấm lòng NCC, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cao đẹp của dân tộc.

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về tổng số NCC (chiếm 10% trên cả nước). Chăm sóc NCC, gia đình chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Thủ đô luôn tập trung, dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Hằng năm thành phố đều đặt chỉ tiêu cụ thể về xây sửa nhà, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, điều dưỡng NCC…

Trong năm 2017, Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với NCC; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-4-2013, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đẩy nhanh lộ trình vận hành Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đời sống NCC…

Những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng, không chỉ ở mục đích ghi nhớ, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nêu cao tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Những việc làm đó của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là mạch nguồn chảy mãi trong lòng dân tộc, khẳng định truyền thống cách mạng, niềm tự hào, lòng yêu nước và trách nhiệm của toàn xã hội đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Năm 2016, TP Hà Nội đã xây mới, sửa 378 nhà ở cho NCC, với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng, vượt 127% kế hoạch; trao tặng 5.944 sổ tiết kiệm, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, vượt 186%; vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa vượt 186%; tu sửa 156 công trình ghi công liệt sĩ, vượt 147%... Toàn thành phố có 6.544 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 238 mẹ còn sống, được phụng dưỡng đầy đủ.

Miên Hạo