Sớm có quy chuẩn về bậc lên xuống

Giao thông - Ngày đăng : 06:48, 13/04/2017

(HNM) - Sau khi không còn bậc thềm xây cố định, người dân tìm đủ cách

Bục bệ do người dân tự chế trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa). Ảnh: Bùi Tuấn


Từ ngày 10-3-2017, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt ra quân nhắc nhở, tuyên truyền, lập biên bản xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hàng loạt bậc tam cấp, bậc thềm lấn chiếm vỉa hè ở nhiều tuyến phố được lực lượng chức năng phá dỡ. Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi bục bệ, bậc lên xuống được "dọn sạch", nhiều nhà dân có phần móng cao hơn nhiều so với nền đường nên việc đi lại rất khó khăn và bất tiện. Tại nhiều tuyến đường, tuyến phố như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Khuyến, Cầu Giấy… nhiều hộ dân chưa kịp chỉnh sửa phần bậc thềm đã phá dỡ nên còn ngổn ngang gạch, vữa.

Tiếp xúc với phóng viên, một số hộ dân ở các tuyến phố có cốt nền cao hơn mặt đường, cho rằng: Chủ trương của UBND TP Hà Nội là đúng đắn, hợp lòng dân nhưng sau khi dỡ bỏ các bục bệ, bậc lên xuống, việc đi lại của người dân rất bất tiện và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ. Người dân muốn sớm sửa chữa lại cho sạch đẹp, nhưng vẫn băn khoăn vì không biết làm cách nào để vừa đúng quy định, vừa phù hợp với cảnh quan.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, trong quá trình xây dựng nhà, không có bộ phận nào của nhà vượt quá chỉ giới đường đỏ. Phần nhà được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng trong trường hợp chỉ giới xây dựng lùi vào sau chỉ giới đường đỏ. Các trường hợp được phép xây dựng vượt chỉ giới xây dựng gồm: Bậc thềm, vệt dắt xe, bậu cửa, móng nhà, ô văng…

Trên thực tế, sau khi kiểm tra, thống kê các trường hợp xây dựng bậc lên xuống lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa, kết quả cho thấy, hầu hết các trường hợp đều vi phạm chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Đặc biệt, đối với các trường hợp trước năm 2008, người dân xây dựng nhà không để lại khoảng lùi theo quy định mà xây dựng sát chỉ giới đường đỏ.

Do vậy, nhiều nhà buộc phải sử dụng vỉa hè để xây bậc thềm. Thêm vào đó, nhiều gia chủ có tâm lý “nhà cao cửa rộng” và lo bị úng ngập nên xây cốt nền khá cao so với mặt đường, khi dỡ bậc thềm buộc phải “chế” các bục, bệ để lên xuống. Tại tuyến phố Xã Đàn có 451 trường hợp vi phạm thì riêng địa bàn phường Phương Liên có 25 trường hợp có cốt nền cao từ 40 đến 70cm; phường Nam Đồng 7 trường hợp cốt nền cao 40-60cm.

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị: Không được lắp đặt xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, người đi bộ và làm mất mỹ quan đô thị. Do vậy, sau khi các trường hợp xây dựng bậc lên xuống lấn chiếm vỉa hè bị dỡ bỏ, các hộ dân có hai phương án: Làm bậc lên xuống bằng thép, khi không sử dụng có thể cất trong nhà để bảo đảm phong quang đường phố hoặc làm bậc thềm giật cấp vào phía trong nhà…

Kết quả của việc xử lý vi phạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với tình trạng nhiều nhà dân có cốt nền khá cao so với mặt đường, sau khi bị dỡ bỏ bậc lên xuống đã tự chế ra các loại bục, bệ sẽ ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan đô thị. Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, xây dựng quy chuẩn về bậc lên xuống để bảo đảm đồng bộ và mỹ quan đô thị.

Duy Biên