Triển khai hệ thống thu phí không dừng: Chậm vì muốn độc quyền?

Giao thông - Ngày đăng : 07:07, 14/04/2017

(HNM) - Có ý kiến cho rằng, Bộ GT-VT chỉ định thầu cho duy nhất một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí khiến chi phí lắp đặt đắt đỏ. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư BOT không muốn hợp tác vì lợi ích cục bộ...

Có ý kiến cho rằng, Bộ GT-VT chỉ định thầu cho duy nhất một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí khiến chi phí lắp đặt đắt đỏ. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư BOT không muốn hợp tác vì lợi ích cục bộ...


Trạm thu phí không dừng đầu tiên trên quốc lộ 1 được triển khai ở tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tuấn Lương


Doanh nghiệp BOT lo giá thành cao

Dự án thu phí ETC được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ GT-VT đã phê duyệt dự án thu phí ETC, kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với 28 trạm thu phí (không gồm 9 trạm do VietinBank cung cấp tín dụng). Nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh giữa Công ty cổ phần Tasco và Công ty cổ phần VETC. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2019 sẽ áp dụng thu phí ETC trên 1-2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Để bảo đảm tiến độ dự án, Bộ GT-VT đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải lắp đặt xong 28 trạm thu phí ETC trong tháng 10-2016. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai rất chậm. Ngoài 5 trạm đã triển khai, các trạm còn lại vẫn "án binh bất động". Mới đây, Bộ GT-VT tiếp tục ra văn bản yêu cầu trước ngày 30-4 phải hoàn thành cam kết, ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư các dự án BOT, đặc biệt đối với 28 dự án đã quy hoạch để triển khai ứng dụng trên thực tế.

Là 1/28 trạm BOT phải lắp đặt thu phí ETC theo yêu cầu của Bộ GT-VT, nhưng đại diện Công ty Phước Tượng-Phú Gia BOT cho biết, mức giá đơn vị cung cấp đưa ra thậm chí lên đến 10% trên tổng doanh thu, cao hơn mức 6% để vận hành thu phí một dừng, do đó chủ đầu tư BOT chưa thể lắp đặt vì không thể bù chi phí.

Nhà đầu tư dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai thì phản ánh, ngân hàng đang cấp vốn cho dự án cũng có khả năng cung cấp dịch vụ thu phí ETC. Để kiểm soát doanh thu, ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải được Bộ GT-VT đồng ý cho phép thay đổi đối tác cung cấp dịch vụ.

Không chấp nhận độc quyền

Theo các chuyên gia giao thông và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, trong bối cảnh gian lận khi thu phí BOT và ùn tắc tại các trạm thu phí liên tục xảy ra trong thời gian qua, việc đẩy mạnh thu phí theo hình thức ETC được đánh giá là cấp thiết để minh bạch hoạt động này.

Ước tính, hệ thống thu phí ETC có thể giúp tiết kiệm được hơn 3.400 tỷ đồng/năm. Cụ thể, tiết kiệm được 70 tỷ đồng in vé, 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu, 2.800 tỷ đồng lương lái xe và hành khách tham gia giao thông, 240 tỷ đồng ngân sách khi phải chi trả cho trạm cân tải trọng xe lưu động, 120 tỷ đồng tinh giản biên chế bộ máy hành chính...

Hệ thống thu phí ETC còn giúp kiểm soát được số phí thực thu ở các trạm, tránh tình trạng nhà đầu tư báo cáo không đúng về số phí thu được như đã từng xảy ra.

Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VETC-Tasco, đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công và dự toán đã cơ bản hoàn thành. Từ nay đến cuối năm 2017, VETC-Tasco dự kiến mỗi tháng sẽ có 2-3 trạm đưa vào khai thác và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ 28 trạm. Song, mấu chốt của sự chậm trễ này là do một số nhà đầu tư không thực sự hợp tác và muốn độc quyền trong việc thu phí.

Ví dụ, tại trạm thu phí Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Tasco đã thu phí tự động vé tháng từ tháng 10-2016, tuy nhiên nhà đầu tư BOT chưa cho hưởng phí vì phải chạy thử nghiệm 6 tháng. Thậm chí, có những thời điểm, nhà đầu tư trạm này còn yêu cầu Tasco phải tắt hệ thống camera toàn cảnh và yêu cầu camera chỉ soi ở làn thu phí không dừng, không được soi sang làn thu phí thủ công. Ở những trạm khác, trong quá trình làm việc, mỗi nhà đầu tư BOT lại có những “yêu sách” khác nhau như đòi tắt camera làn, không cho bán vé tháng, không cho cung cấp dịch vụ ETC; phải vận hành thí điểm để chứng tỏ hiệu quả hệ thống cho nhà đầu tư BOT từ 3 đến 6 tháng...

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, nhà đầu tư BOT hợp tác bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà đầu tư thu phí ETC sẽ giúp giảm được chi phí, không còn tình trạng một trạm thu phí có tới hai đơn vị quản lý, gây tốn kém, khó kiểm soát doanh thu. Trong danh mục 28 trạm đã được Chính phủ phê duyệt, cần có chế tài, trên cơ sở đó Tổng cục sẽ kiên quyết xử lý nhà đầu tư BOT, thậm chí sẽ yêu cầu dừng thu phí nếu không hợp tác.

Khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí ETC theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, việc triển khai thu phí ETC sẽ giúp hạn chế thất thoát, tiêu cực trong thu phí. Quan điểm của Bộ GT-VT là tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn công trình giao thông, cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhưng phải bảo đảm lợi ích của người dân là được trả tiền đúng, đủ, minh bạch, công khai khi tham gia giao thông. Bộ GT-VT không chấp nhận các biểu hiện độc quyền, thiếu minh bạch của bất kể nhà đầu tư hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nào.

Lương Ninh Giang