Vẫn vô tư giết mổ gia cầm tại chợ

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 15/04/2017

(HNM) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo về khả năng lây truyền vi rút cúm A/H7N9 sang người và phát triển thành dịch...

Hiện nay tình trạng người dân giết mổ gia cầm ngay tại chợ vẫn diễn ra phổ biến.


Vô tư giết mổ gà sống

Nằm giữa khu dân cư sầm uất, ngay cạnh Khu đô thị Yên Hòa, khu chợ tạm nằm dọc ngõ 100 đường Trung Kính (phường Yên Hòa) khá tấp nập. Chợ họp ngay bên đường đi của cư dân nhưng vẫn có một khu vực riêng dành cho các hộ kinh doanh thủy hải sản và giết mổ gia cầm. Ngoài các hộ chuyên doanh, ngồi tập trung tại khu vực giết mổ gia cầm theo quy định, dọc ngõ có hàng chục hộ dân bán rau, bán cá… cũng có cả gà để bán thêm. Những chiếc bu gà, lồng gà được người bán đặt ngay hai bên lề đường, hễ có khách hỏi mua, việc giết mổ diễn ra tại chỗ. Vào các ngày rằm, mùng một hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại đây càng nhộn nhịp.

Chị Nguyễn Hoàng Yến - một cư dân sống tại chung cư Home City gần đó cho biết: “Tuy là chợ tạm nhưng mua gà ở đây cũng yên tâm vì thấy người bán giới thiệu là gà quê, trước khi giết mổ thấy gà khỏe mạnh…”. Trong hơn một giờ “mục sở thị” việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại khu chợ tạm tại ngõ 100 đường Trung Kính, phóng viên không thấy bóng dáng bất cứ lực lượng chức năng nào tại đây.

Cách đó không xa là chợ tạm dân sinh nằm giữa Khu tái định cư Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh. Chợ có diện tích khoảng 1.500m2, gồm hai dãy ki ốt lợp mái tôn. Khi ngỏ ý muốn mua gia cầm sống, phóng viên được một người bán rau chỉ sang khu đất dự án nằm ngay bên đường Phạm Hùng. Vừa đến nơi, 3-4 người cả nam lẫn nữ đứng bật dậy mời mua gà. Được biết, để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện và cũng do chợ không cho buôn bán, giết mổ gia cầm sống, những người này dạt ra đây để “đón” người mua, còn gà được cất giấu bên trong hàng rào khu đất dự án.

Thoăn thoắt lôi bao tải gà được “ngụy trang” khá kỹ trong một góc hàng rào tôn, người đàn ông trung niên nhanh nhảu giới thiệu: “Lát chị cho em xin số điện thoại, chỉ cần gọi là em giao gà tận nhà. Gà của em toàn do người nhà nuôi, chị cứ yên tâm về nguồn gốc…”. Điều đáng nói, việc buôn bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc lại diễn ra ngay bên hông chợ Nam Trung Yên, dưới chân những tấm băng rôn, biển cấm buôn bán gia súc, gia cầm chưa qua giết mổ, không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Vậy nhưng dường như cả người bán lẫn người mua đều phớt lờ.

Khó kiểm soát, xử lý?

Tại các chợ dân sinh, gia cầm vẫn được bày bán công khai và sẵn sàng giết mổ tại chỗ.


Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ tạm Nam Trung Yên được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Trung Hòa (HTX) thành lập Ban quản lý từ năm 2012. Tuy nhiên, ngay sau khi chợ đi vào hoạt động, lô đất B9 nằm sát chợ đã trở thành “tụ điểm” chuyên kinh doanh, giết mổ gia cầm. Sau thời gian bị kiểm tra gắt gao, thời gian gần đây một vài hộ kinh doanh tiếp tục buôn bán gia cầm sống theo kiểu “bí mật”.

Đại diện Ban Kiểm soát HTX cho biết, hầu như ngày nào cán bộ HTX và nhân viên thú y của phường cũng kiểm tra hoạt động buôn bán tại chợ. Tuy nhiên, do những hộ buôn bán gia cầm hoạt động bên ngoài phạm vi chợ nên không thuộc chức năng quản lý của HTX. “Lực lượng chức năng đã xử lý nhiều lần nhưng chỉ được vài ngày tình hình đâu lại vào đó. Họ cất giấu gia cầm ở nơi khác chứ không bày bán công khai nên lực lượng trật tự phường khó khăn trong xử lý” - vị đại diện Ban Kiểm soát cho biết thêm.

Còn tại phường Thành Công nơi có khá nhiều chợ tạm, chợ cóc hoạt động, ông Ngô Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, từ nhiều năm nay, khi xảy ra dịch cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 phường Thành Công đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND quận Ba Đình về công tác phòng chống, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Hiện các chợ do phường Thành Công quản lý đã không còn hoạt động giết mổ. Nhưng việc giết mổ tại chợ tạm, chợ cóc vẫn chưa kiểm soát được vì số lượng cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, thú y của tuyến cơ sở rất ít, chỉ có một nhân sự. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính việc buôn bán gia cầm sống và giết mổ tại chợ tồn tại vì thói quen người tiêu dùng muốn chọn gà sống và chờ giết mổ tại chỗ.

Như vậy là, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương, rất cần sự ủng hộ từ phía người dân trong việc thay đổi thói quen mua bán hằng ngày. Hãy lựa chọn sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, có kiểm dịch tại nơi bán uy tín và cương quyết "nói không" với việc giết mổ gia cầm trực tiếp. Điều đó không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mà còn góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 
22-01-2009): 

- Cơ sở giết mổ được xây dựng theo quy hoạch của UBND thành phố, cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nơi nhiễm độc, nhiễm bẩn, có tường bao quanh, cao tối thiểu 2m; Đủ nước sạch, ánh sáng phục vụ giết mổ theo quy định; Nền nhà được làm bằng vật liệu không thấm đọng nước và dễ vệ sinh... 

- Quy trình giết mổ phải tuân thủ theo quy trình công nghệ do nhà cung cấp thiết bị quy định, phải đăng ký nội dung hoạt động với cơ quan thú y. Gia súc, gia cầm khi đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ.

Bảo Nga - Thùy Ngân