Tận dụng không gian theo chiều đứng để duy trì lâu bền trật tự vỉa hè

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 16/04/2017

(HNM) - Để góp phần duy trì kết quả lâu dài, việc tận dụng không gian theo chiều đứng, đặc biệt là không gian ngầm, là một giải pháp đáng quan tâm. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng.


Ý thức người dân đã nâng lên

- Thưa ông, vỉa hè xưa nay vốn không chỉ dành cho người đi bộ, trồng cây xanh mà đã trở thành cảnh quan kiến trúc của đô thị, nơi thể hiện muôn mặt cuộc sống vốn rất phong phú... Nhưng nhiều năm gần đây, vỉa hè đã trở nên lộn xộn, không rõ công năng. Ông nhận định thế nào về đánh giá này?

- Vỉa hè không chỉ là nơi dành cho người đi bộ mà còn được coi là nơi giao tiếp, tạo không gian mở hài hòa giữa đường và nhà mặt phố. Xưa kia, “kinh tế mặt tiền, vỉa hè” chưa phát triển nên vỉa hè rất thông thoáng. Ngay ở Hà Nội thời bao cấp, cả phố chỉ có vài ba cửa hàng mậu dịch. Nhưng khi chúng ta mở cửa hội nhập quốc tế, lưu lượng mua bán trao đổi hàng hóa ngày càng lớn, người dân tận dụng mặt ngoài của những nhà mặt đường để mưu sinh tạo nên sức ép đối với hạ tầng đô thị Hà Nội. Vỉa hè, lòng đường hiện nay trở nên quá tải, “kinh tế mặt tiền, vỉa hè” đã gắn liền việc mưu sinh của nhiều người dân...

- Để giải quyết những hệ lụy này, các lực lượng chức năng của thành phố đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, song việc tái vi phạm vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông có thể phân tích rõ điều này?

- Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Một là, do ý thức và thói quen tùy tiện của người dân cộng với sự thiếu quyết liệt của lực lượng chức năng. Hai là do khách quan, khi tổng lượng xe máy, ô tô cá nhân ở đô thị vượt quá xa sức chịu tải của khu vực đỗ, gửi xe. Đô thị đang quá tải thì vỉa hè cũng không ngoại lệ. Các cấp, ngành đã nhiều lần ra quân nhưng không thành công vì chúng ta chưa có giải pháp căn cơ xử lý tận gốc của vấn đề. Chúng ta cần quan tâm kỹ hơn những đề xuất cụ thể cho từng khu phố, tuyến phố để giãn mật độ, san sẻ chức năng đô thị...

- Nhưng kể từ khi thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ, ngày 3-3-2017, của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố, hiệu quả mang lại rất tích cực và rõ nét...

- Đúng vậy! Sau một thời gian quyết liệt triển khai lập lại trật tự, vỉa hè, lòng đường đã thông thoáng hơn. Ý thức của người dân trong việc ứng xử với vỉa hè đã nâng lên rõ rệt. Nhiều cán bộ và lực lượng chức năng quyết liệt trong hành động, không ngại va chạm; các biện pháp mạnh được áp dụng đã bước đầu củng cố niềm tin trong nhân dân về hiệu quả lâu dài. Nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô đã có chuyển biến rất rõ nét. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã giảm hẳn, người dân và du khách có thể thoải mái đi bộ, thay vì phải luồn lách dưới lòng đường như trước đây...

Những giải pháp căn cơ

- Nếu như trước đây có hiện tượng “nhờn luật” thì bây giờ trật tự đô thị, trật tự giao thông đã được tái lập. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận người dân đang mưu sinh nhờ vào vỉa hè, mặt phố. Vậy theo ông, làm thế nào để xử lý hài hòa vấn đề này?

- Theo tôi, đây là một quá trình dài, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và giải quyết theo lộ trình, qua đó bảo đảm người dân vẫn có vỉa hè đi bộ; những hộ dân ở mặt đường vẫn có không gian để mưu sinh một cách phù hợp với quy định pháp luật. Cùng với đó là tuyên truyền giáo dục để người dân tôn trọng, tuân thủ pháp luật.

- Ông có thể khuyến nghị những giải pháp cụ thể đó là gì?

- Trước hết, cần xử phạt nghiêm minh, không để tình trạng chỗ này xử phạt chỗ kia lại không. Sau đó, quy hoạch lại các khu mua bán, mỗi chỗ sẽ có khu để xe trong bán kính 200 - 500m gắn với khu đi bộ. Cơ sở kinh doanh đủ điều kiện về chỗ để xe mới cấp phép hoạt động. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng liên quan đến hạ tầng giao thông tĩnh là tổ chức lại vỉa hè thông thoáng nhưng cũng định rõ những khu vực đỗ xe. Gia đình sống ở mặt đường cũng phải đưa xe vào trong nhà của mình, người đi vãng lai để xe đúng nơi quy định. Hàng rong là một “đặc sản” của đô thị nhưng phải quy định chỉ được xuất hiện ở một số nơi trong một thời gian nhất định; ví dụ như: Đối với những tuyến phố chính, đông người, giờ cao điểm thì hàng rong không được phép hoạt động; còn ở những đường ngách thì có thể cho phép hàng rong bày bán...

- Một số chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, việc lập lại trật tự thời gian qua dường như mới chỉ là phần ngọn vì với áp lực dân số, không gian chật hẹp như hiện nay rất khó có thể duy trì được lâu dài. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Không gian mặt đất của Hà Nội hiện quá chật hẹp, nên việc kết nối giao thông tốt sẽ giảm bớt lượng người đi trên tuyến đường chính. Tôi đề nghị ở những khu đô thị mới cần được đầu tư liên hoàn, đầy đủ các tiện ích để người dân không phải đến nơi khác và cũng đỡ dồn vào trung tâm. Và Hà Nội cần nhiều trung tâm, mỗi quận, huyện đều nên có trung tâm vui chơi giải trí. Ở khu vực trung tâm, cần giảm bớt nhà cao tầng gây áp lực lên hạ tầng giao thông, vỉa hè làm rộng. Điểm đỗ, bến xe tĩnh có thể làm ngầm dưới mặt đất hoặc nổi ở trên nhưng phải có nhiều tầng. Nhằm giảm áp lực cho vỉa hè, lòng đường, chúng ta nên nghiên cứu các khu vực xem lượng người đi lại là bao nhiêu để quyết định luồng đường nhiều hay ít và giải quyết bài toán kết nối giữa các mạng lưới giao thông với nhau. Tuy nhiên, về lâu dài, tận dụng không gian theo chiều đứng là một hướng đi đáng để nghiên cứu.

- Tận dụng không gian theo chiều đứng, cụ thể là gì thưa ông?

- Trước mắt là khai thác những đường hầm cho người đi bộ qua đường có thể bán báo, tạp hóa, cửa hàng lưu niệm, cà phê giải khát... Việc này cũng đơn giản khi chúng ta nới rộng không gian trong tầng hầm. Lúc đó, sẽ có nhiều người đi bộ qua hơn nếu được kết nối hệ thống xe buýt. Về lâu dài là đẩy nhanh đầu tư mạng lưới giao thông bằng tàu điện ngầm để cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề: giao thông, tiếng ồn, không gian, cảnh quan. Ở các nước phát triển, ngoài chức năng giao thông, thoát nước, bên dưới tầng hầm ngầm, người ta xây dựng cả siêu thị, quần thể vui chơi và nhiều dịch vụ tiện ích khác.

- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung cuộc trao đổi!

Ánh Vương