Ông Bảy bóng chuyền

Thể thao - Ngày đăng : 07:09, 16/04/2017

(HNM) - Tại Giải Bóng chuyền hơi Cựu chiến binh quận Nam Từ Liêm năm 2017 vừa diễn ra, ông Lê Văn Bảy nổi bật với những pha xử lý bóng điêu luyện.

Ông Lê Văn Bảy tại Giải Bóng chuyền hơi Cựu chiến binh quận Nam Từ Liêm năm 2017.Ảnh: Minh An


Tài chơi bóng của ông Bảy thì khỏi phải bàn, vì ông từng có thời gian luyện tập ở trình độ đỉnh cao. Năm 1979, khi mới 18 tuổi, ông nhập ngũ và chỉ ít lâu sau thì lọt vào mắt các nhà tuyển trạch của đội bóng chuyền Quân khu Thủ đô. Chỉ 3 năm sau khi tập luyện ở đội trẻ, ông được đôn lên đội một của Quân khu Thủ đô. Sau đó, ông có một năm ở đội Thể Công trước khi chuyển về thi đấu cho đội Không quân. Tuy vậy, ông Lê Văn Bảy không theo nghiệp vận động viên lâu dài. Khi mới 26 tuổi, ông ra quân, trở về địa phương (khi ấy là xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm). Quãng thời gian sống với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khiến ông phải rời xa bóng chuyền.

Có lẽ, ông Lê Văn Bảy không có cơ hội trở lại với niềm đam mê một thuở nếu phong trào bóng chuyền hơi không được tập trung gây dựng tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội, trong đó có Từ Liêm (cũ). Năm 2002, ở xã Mỹ Đình, một số người lớn tuổi bắt đầu tập bóng chuyền hơi. Biết ông Bảy từng là cầu thủ bóng chuyền "có số", họ tìm đến nhờ ông hướng dẫn. Khi ấy, ông như tìm lại được thứ gì đó đã mất. Ông chẳng ngần ngại bỏ công, bỏ sức hướng dẫn những người mới tập chơi. Rồi chính ông cũng đi vận động những người lớn tuổi trong xã đến với bóng chuyền. “Ban đầu nhiều người cũng ngại, nhưng sau một thời gian nhiều bác cũng đến địa điểm tập luyện bóng chuyền trong sự tò mò” - ông Bảy kể lại.

Trong giai đoạn đầu gây dựng phong trào bóng chuyền ở Mỹ Đình, ông Bảy thực sự bận rộn với công việc hướng dẫn. Nhiều lúc ông Bảy cảm thấy áp lực khi tiến độ hướng dẫn người chơi không theo ý muốn. Đã có người chán nản sau một thời gian tập luyện. Tuy vậy, số người trụ lại vẫn nhiều hơn số người không tiếp tục theo tập. Ở thôn Phú Mỹ 3 - nơi ông cư trú, lúc cao điểm có tới 70- 80 người chơi trong một buổi.

Tiếng lành đồn xa, nhiều thôn khác trong xã Mỹ Đình (nay là phường Mỹ Đình 1 và 2) cũng như các xã lân cận mời ông tới hướng dẫn bóng chuyền. Nhiều nơi dự định "gom" tiền để bồi dưỡng cho ông nhưng ông dứt khoát không nhận dù thu nhập của cả nhà chỉ trông vào quán nước. Cứ đến giờ tập là ông gác việc lại, "nói khó" với vợ rồi tới sân. Ban đầu, vợ cũng không chia sẻ niềm đam mê của chồng nên ông Bảy rủ rỉ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Và rồi bà cũng theo đến sân tập, trở thành “fan” ruột của ông lúc nào không hay!

Với những thành công của phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn, ông Lê Văn Bảy được nhiều người đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Vinh, cán bộ văn hóa - thể thao phường Mỹ Đình 2 nói: “Phong trào bóng chuyền hơi ở phường mạnh là nhờ bác Bảy. Ông vừa là người có chuyên môn tốt, lại có ý thức gây dựng phong trào rộng khắp”. Còn bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Nam Từ Liêm nhận xét: "Không phải ở đâu cũng tìm được những người có trách nhiệm với phong trào như bác Lê Văn Bảy. Nhờ có bác Bảy mà đội tuyển quận luôn đạt giải cao ở các giải bóng chuyền hơi người cao tuổi cấp thành phố”.

Bây giờ, ở tuổi 56, ông Lê Văn Bảy vẫn làm bảo vệ ở một cửa hàng điện thoại, nhưng khi tham dự Giải Bóng chuyền hơi Cựu chiến binh quận Nam Từ Liêm 2017 trong màu áo đội Mỹ Đình 2, ông đã xin tạm nghỉ. Ông lúc nào cũng thế, tận tình và yêu bóng chuyền hơi: "Bóng chuyền đã ăn vào máu nên không thể bỏ. Nếu tiếp tục làm được điều gì cho phong trào bóng chuyền hơi thì tôi sẽ nỗ lực hết mình. Ít nữa, khi cậu con trai tốt nghiệp đại học, có việc làm, chắc tôi còn nhiều thời gian hơn cho phong trào bóng chuyền ở địa phương” - ông Bảy nói.

Thùy An