Để “cần câu” hơn “con cá”...

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 16/04/2017

(HNM) - Chưa đến 10% lao động nông thôn nhận được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau thu hồi đất là thống kê sơ bộ ở không ít địa phương trên địa bàn Hà Nội...



Trong nhiều trường hợp, nếu “cần câu” (các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề...) không phát huy hiệu quả, giá trị của nó không khác “con cá” (các khoản hỗ trợ trực tiếp). Để "cần câu" hơn "con cá" thực sự là vấn đề nhiều trăn trở.


Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất cần đa dạng hóa, phù hợp với đặc thù từng địa phương.Ảnh: Sơn Hà


Chuyện cũ luôn... mới

Phát triển các khu công nghiệp và đô thị là xu hướng tất yếu song cũng đặt ra không ít vấn đề, trong đó có việc chuyển đổi ngành nghề cho lao động sau thu hồi đất. Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất luôn được triển khai song hành với quá trình xây dựng các dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động sau thu hồi đất tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề luôn thấp. Tình trạng ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Chưa có thống kê chính thức về tổng số lao động sau thu hồi đất được đào tạo nghề và có việc làm trên địa bàn thành phố những năm gần đây, nhưng qua khảo sát sơ bộ của một số quận, huyện, thị xã, con số này là khá khiêm tốn. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Gia Lâm, từ năm 2013 đến 2017, huyện đã hỗ trợ học nghề sơ cấp cho 1.009 người và riêng năm 2016 là 121 người. Con số trên chưa bằng 1/10 lao động bị thu hồi đất trong năm (1.659 người) và đặc biệt, không trường hợp nào được nhận hỗ trợ nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Tình hình các hộ dân vay vốn thành công từ chính sách hỗ trợ lao động sau thu hồi đất của huyện cũng không mấy khả quan: Chỉ 32/635 hộ được chấp thuận cho vay vốn với tổng số tiền 1,015 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vay thấp, thời hạn ngắn, khiến các hộ gia đình gặp khó khăn khi muốn phát triển sản xuất.

Việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất ở huyện Sóc Sơn cũng trong tình trạng tương tự: Năm 2016, cả huyện chỉ có 32/1.500 lao động sau thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề. Ông Đặng Đình Trung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn cho biết: Số lao động sau thu hồi đất tham gia học nghề ở địa phương còn thấp là do nhận thức của người lao động và chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm... chưa hấp dẫn. Cùng với đó, do học nghề có quy định độ tuổi nên nhiều người không đáp ứng được. Bên cạnh đó còn là tâm lý ngại đào tạo lại nghề (rồi lại phải tìm việc mới), mà chủ động tự kiếm việc làm thuê theo thời vụ như: Thợ xây, phụ hồ, phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng…

Nhìn bề ngoài, đời sống của các hộ dân sau thu hồi đất được cải thiện rõ rệt bởi khi dự án đi qua, hạ tầng cơ sở của khu vực được nâng cấp. Song, đằng sau sự thay đổi đó tiềm ẩn không ít vấn đề cần chú ý, trong đó có việc thiếu định hướng ngành nghề hợp lý, khiến không ít người lâm vào cảnh thất nghiệp hay không có thu nhập ổn định; chưa kể việc sử dụng tiền đền bù thiếu kế hoạch, sắm sửa hoang phí... Do vậy, câu chuyện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất luôn mang tính thời sự.

Phát huy hiệu quả của "cần câu"

Ai cũng biết, “cần câu” - các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm... cho lao động sau thu hồi đất - mang lại lợi ích bền vững hơn nhiều so với “con cá” - các khoản đền bù, hỗ trợ trực tiếp. Nếu“cần câu” không phát huy hiệu quả, giải pháp này không hơn không kém so với “con cá”. Thực tế những năm qua, việc giải quyết vấn đề này tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đạt kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những con số đáng trăn trở đề cập ở trên... “Làm sao để “cần câu” phát huy hiệu quả hậu thu hồi đất?” là bài toán được các sở, ban, ngành của thành phố tích cực tìm lời giải.

Mới đây nhất, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có tờ trình, tham mưu cho thành phố việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất trên địa bàn, trong đó có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản hiện hành. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng 2 mức hỗ trợ học nghề, gồm hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho trình độ sơ cấp, học nghề dưới 3 tháng và học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Nhiều chính sách ưu tiên khác: Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, làm thủ tục xuất khẩu lao động; hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm trong nước… cũng được nêu ra. Đây được coi là cú hích quan trọng để "cần câu" cho lao động sau thu hồi đất hấp dẫn hơn nữa.

Theo nhiều chuyên gia, để những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất mang lại hiệu quả bền vững, cần đa dạng hóa loại hình nghề nghiệp phù hợp với từng độ tuổi, giới tính của người lao động, điều kiện thực tiễn của địa phương, có phương án đào tạo nghề gắn với kế hoạch sử dụng, bố trí việc làm; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng đất với giải quyết việc làm cho nông dân tại vùng thu hồi đất. Đồng thời, thực hiện các chương trình hỗ trợ kết hợp giám sát doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng tại chỗ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, trang bị những tiền đề cần thiết để người dân chủ động, lựa chọn, tiếp cận việc làm mới, đáp ứng yêu cầu thay đổi phương thức sản xuất, có thu nhập, ổn định cuộc sống…

Theo đề xuất của Sở LĐ-TB&XH, mức hỗ trợ lao động sau thu hồi đất học nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng tối đa 3 triệu đồng; tiền ăn 30 nghìn đồng/người/ngày... Hỗ trợ chi phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng ở mức tối đa nhưng không quá mức thu học phí hằng năm đối với từng nghề được thành phố phê duyệt. Hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức cao nhất là 3 triệu đồng học phí; tiền ăn 40 nghìn đồng/người/ngày... Hỗ trợ tín dụng tạo việc làm trong nước mức tối đa 50 triệu đồng/chỗ làm việc mới...

Miên Hạo