Phải là cơ chế trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 17/04/2017
Đáng nói nữa, các loại chất thải y tế từ nước thải đến chất thải rắn... đều có tỷ lệ được xử lý ở mức "chưa đạt mục tiêu đề ra" trong "Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020" (Đề án 2038).
Nói không quá, chất thải y tế hoàn toàn không phải câu chuyện mới nhưng chắc chắn nó sẽ mỗi ngày một mới hơn qua những tác động ghê gớm của "nguồn gây bệnh" chưa qua xử lý này đến sức khỏe, chất lượng sống của con người. Ngay cả mục tiêu trong Đề án 2038: "Đến năm 2020 bảo đảm 100% cơ sở y tế ở các tuyến từ trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường" cũng không nên xem là chỉ tiêu riêng liên quan đến ngành Y mà còn là đòi hỏi bức thiết từ thực tế, với trách nhiệm chung của cộng đồng.
Thực tế có ba câu hỏi cơ bản phải trả lời để giải quyết bài toán này một cách trọn vẹn. Đó là ngân sách nhà nước không thể cáng đáng lâu dài việc đầu tư xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện công lập, vậy thì nguồn kinh phí vốn không nhỏ cho hoạt động này sẽ lấy ở đâu? Nếu xã hội hóa để thu hút vốn và triển khai khai thác, xử lý thì cơ chế quản lý thế nào? Và đặc biệt khi đã có vốn, xây dựng được hệ thống xử lý chất thải thì việc vận hành kiểm soát nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động này được thực hiện ra sao?
Trả lời cho những câu hỏi này, yếu tố xâu chuỗi vẫn phải là xác định trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị, từng khâu, từng cá nhân có liên quan, cùng với đó là sự gắn kết các trách nhiệm riêng lẻ trong sự vận hành chung.
Tại cuộc họp về “Góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, cũng như kiến nghị khá rõ về cơ chế trách nhiệm này. Ví như, "Bệnh viện công lập tự chủ quyết định việc thuê dịch vụ xử lý nước thải từ vốn tự chủ, nhưng cụ thể là tự chủ một phần hay toàn phần?", "Trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xử lý chất thải y tế thuộc về bệnh viện hay các đơn vị cung cấp dịch vụ?", "Rồi vai trò của chính quyền địa phương đến đâu trong việc giám sát hoạt động, chất lượng xử lý chất thải y tế của cơ sở y tế trên địa bàn?"...
Một yếu tố khác không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh hiện nay vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế vào xử lý chất thải y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia cần có định hướng hoặc cơ chế thẩm định về mô hình công nghệ được áp dụng trên toàn quốc trong vấn đề này, để các bệnh viện dễ bề thực hiện. Bản thân các bệnh viện dù khó khăn thì cũng nên chủ động tìm giải pháp xử lý chất thải y tế nếu không muốn đứng ngoài xu thế phát triển tất yếu của ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, cần quản chặt lượng chất thải này để chúng không bị tuồn ra cộng đồng như một số trường hợp được báo chí phát hiện gần đây.
Ngoài việc phân định rõ trách nhiệm trong thực hiện xử lý chất thải y tế, không thể xao nhãng việc đẩy mạnh giáo dục vấn đề này trong cộng đồng, trong trường học; tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể...
Chỉ khi cơ chế trách nhiệm được vận hành tích cực, câu chuyện chất thải y tế mới có thể tạm lắng, bớt đi nỗi ám ảnh cho các thế hệ sau.