Trên những chuyến tàu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 17/04/2017
Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua cầu Long Biên. Ảnh: Quỳnh Trang |
Trên tuyến đường sắt có lịch sử hơn trăm năm này có rất nhiều điều lí thú, đó là bức tường xây bằng đá tảng ở Ga Long Biên trải qua hàng trăm năm vẫn toát lên một vẻ uy nghi vững chắc. Cầu Long Biên cổ kính, bằng tuổi với tuyến đường sắt cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Tàu vượt qua sông Hồng, những bãi bồi trên sông ở đoạn này, chỗ thì dẹt cong như một cái lưỡi trâu rừng khổng lồ với những vạt cỏ xanh mượt như nhung, chỗ thì rộng dài nhấp nhô với những bãi ngô, bãi chuối, rau cải, rau xà lách xanh om; thỉnh thoảng lại thấy vài con thuyền bạc thếch, phơ phất của dân ngụ cư nghèo không chỗ ở mà thả đời mình trên sông nước ở những rạch nước đục ngầu sát với chợ đầu mối nông sản Long Biên.
Ở Ga Long Biên có một người đàn bà bé quắt, giọng khàn khàn chuyên bán hàng rong trên tàu. Tuy thấp bé nhưng người đàn bà luôn đeo trên mình một cái túi vải rất to và dài, giọng thì đanh vang khắp các toa. Người đàn bà bán hàng ở ga tàu để kiếm sống, kiên nhẫn mời từng khách đi tàu mua hàng nhưng nếu có ai trả thêm tiền cho những gói kẹo lạc, gói bánh quy, chai nước ngọt, bà cũng kiên quyết không lấy. Chỉ lấy đúng giá bán và có lãi, người đàn bà ấy nói, để lấy đức cho con cháu. Cái dáng thấp bé, khô đét, cái giọng khàn đanh và sự cần mẫn đi suốt các toa tàu là hình ảnh ấn tượng với hành khách ở cái ga tàu cổ điển có lịch sử cả trăm năm.
Khi tàu đã vượt khỏi sông Hồng mà vụt về phía Đông thì những cánh đồng lúa, hoa màu của Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng trải ra, mà ở đâu cũng có những điểm hoài thương của một thời quá vãng. Tàu đỗ ở Ga Cẩm Giàng, nơi rất gần cái trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tường nổi tiếng ngày xưa. Vợ chồng ông Nguyễn Tường Nhu, Lê Thị Sâm đã đẻ ra bảy người con, sáu trai một gái thì có ba người trở thành những nhà văn nổi tiếng: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và chính ba anh em họ Nguyễn Tường này đã trở thành những người sáng lập và trụ cột của một phong trào văn học lừng danh một thời: Tự lực văn đoàn. Tàu qua Cẩm Giàng vào một buổi tối, tôi cứ nhớ đến hình ảnh của hai chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam ngày nào. Hai đứa bé ấy cứ ngồi chờ đợi đến tận đêm khuya, đợi ánh sáng của con tàu mang một chút phồn hoa đô hội ập đến, như một sự khuấy động gần như duy nhất của một vùng quê nghèo khó yên bình... Ngôi nhà lưu niệm những văn nhân của Tự lực văn đoàn ở gần Ga Cẩm Giàng còn đó nhưng khu dinh trại xưa giờ chỉ còn là một ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ trơ ra với thời gian và một cánh cửa gỗ hình như bao giờ cũng im ỉm đóng. Một cái ao nước xanh leo lẻo vì tảo lục vẫn còn như lưu dấu những ngày anh em nhà Nguyễn Tường đi dạo hoặc ngồi đó mà viết những tác phẩm để đời. Có người còn quả quyết rằng, chính là ngôi nhà nằm bên Ga Cẩm Giàng này là nơi Thạch Lam đã viết thiên truyện ngắn nổi tiếng Dưới bóng hoàng lan, với một niềm thương nhớ khôn nguôi người con gái của tuổi thơ và bâng khuâng xa vắng với bóng mát êm đềm của khu vườn trồng nhiều cây trái.
Ga Cẩm Giàng nằm trên đất Hải Dương nhưng lại bán quà là những bánh đa Kế to tướng có nguồn gốc từ Bắc Giang. Những người đàn bà bán hàng rong luôn vội vã ở ga tàu, họ phải vội vàng vì tàu đỗ ở ga rất ít thời gian. Vừa chào mời, vừa giúp khách đi tàu kéo những tấm lưới, tấm kính che cửa sổ để luồn vào đó một cái bánh đa, vài bắp ngô nóng và nhận lại món tiền cũng trao vội qua cửa sổ vì nếu khách xuống ga mà mua quà thì không kịp mà nhà ga cũng không khuyến khích khách xuống tàu mua hàng.
Ga Cẩm Giàng bán bánh đa Kế của Bắc Giang nhưng đến Ga Hải Dương thì hoàn toàn khác. Hải Dương là quê hương của bánh gai, bánh đậu xanh. Bánh gai thì nổi tiếng nhất là bánh gai ở Ninh Giang, bánh đậu xanh thì có các hãng lâu đời như Nguyên Hương, Bảo Hiên, Hòa An… Tàu vừa đỗ ở Ga Hải Dương là các bà, các chị bán bánh gai, bánh đậu xanh, ngô luộc, xôi ùa đến. Ga Hải Dương nằm trong trung tâm thành phố nên khách lên xuống nhiều hơn và sự mua bán cũng sôi động hơn so với Ga Cẩm Giàng. Có một đặc sản nữa mà từ Ga Hải Dương hành khách mới có cơ hội thưởng thức là món bánh giò trứ danh, thứ bánh được bán ở ngay trên tàu do các nhân viên nhà tàu làm dịch vụ để phục vụ hành khách. Bánh giò ở đây đặc biệt mềm và thơm, nhân thịt vừa béo vừa ngậy. Tôi cũng đã từng ăn bánh giò ở nhiều nơi nhưng hình như cái bánh giò trên tuyến tàu đêm vẫn là ngon nhất. Không biết có phải vì đói vì đến giờ ăn tối hay cái khứu giác cũng được lưu một niềm mong nhớ nào đấy trong não bộ mà nhất định cứ đến ga ấy là thấy đói cồn cào và khi mùi bánh giò ào đến thơm phức thì không thể cưỡng nổi.
Cái thú của đi tàu đêm là thỉnh thoảng nhìn qua cửa sổ tối om lại thấy những ánh đèn tỏ mờ của những người gác ghi giống như một cảnh huyền hoặc trong quá khứ. Tàu xuyên vào đêm nhưng vẫn thấy những đốm sáng của cuộc sống thường ngày lọt những ô cửa sổ quay ra phía cánh đồng. Đi tàu hỏa có cái ưu điểm là không gian rộng rãi, thoáng mát hơn hẳn ô tô và đặc biệt nhiều người thường chọn cách đi tàu để giảm nhẹ nỗi say tàu xe. Đi tàu vẫn có thể say nhưng nó dịu nhẹ hơn vì không có mùi xăng xộc vào mũi và các cửa sổ tàu có thể mở thoải mái để đón gió mát. Để chống say hiệu quả nhất thì nên chọn chỗ ngồi xuôi chiều với hướng tàu đi, nếu không mua được cái vé ưng ý thì có thể đổi chỗ cho người khác. Trên tàu người ta luôn sẵn sàng nhường nhịn chỗ ngồi cho trẻ em, người già, phụ nữ và người say tàu xe, cũng là nét đẹp văn hóa khi sinh hoạt cộng đồng mà khi đi ô tô hoặc máy bay khó có được. Đi tàu hỏa cũng không sợ tắc đường vì chỉ có một đường độc đạo gần như thẳng băng, trừ đôi lúc tàu đỗ ở một điểm nào đấy để tránh một đoàn tàu khác ngược chiều có cùng cung giờ.
Đường sắt đang bị cạnh tranh dữ dội với đường bộ nhưng đi lại bằng đường sắt vẫn có cái thú riêng mà đường bộ không có được. Những tấm lưới cũ kĩ che chắn các cửa sổ tàu trước kia giờ đã thay bằng những tấm nhựa trắng trổ những lỗ thông gió với hoa văn đẹp mắt. Tàu đã đúng giờ, lịch sự và có cả wifi ở những khoang hạng sang để khách tha hồ lướt web, đọc báo, chát facebook… Vả lại, đi trên một tuyến đường có cả trăm năm lịch sử, lắng nghe tiếng gọi của thời gian, trời đất cũng làm lòng người yên bình. Một cảm giác bồi hồi sắp được về với gia đình, người thân làm người ta thêm cởi mở và rộng lượng với nhau. Cũng trên những chuyến tàu ấy đã có bao cuộc gặp gỡ, bao câu chuyện được sẻ chia và cả những mối tình lãng mạn, thơ mộng đang và đã bắt đầu. Những chuyến tàu chạy từ quá khứ để kết nối những điểm đến của hiện đại để cuộc sống thêm thuận tiện, yên bình…