Vòng luẩn quẩn có lặp lại?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 17/04/2017
Ảnh minh họa |
Khoảng một tuần trở lại đây, hoạt động xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc bắt đầu nhộn nhịp nhưng vẫn tiềm ẩn bất trắc do nước này chưa "mở cửa" hoàn toàn để nhập khẩu mà chỉ tạm thời mở từng đợt. Hiện giá thịt lợn hơi tại các tỉnh, thành phố đã tăng từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/kg (tương đương từ 32.000 đồng đến 37.000 đồng/kg), song người chăn nuôi vẫn thua lỗ.
Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) Nguyễn Trọng Long cho biết, chăn nuôi ở khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội, chịu tác động lớn từ việc nhập khẩu của Trung Quốc. Khi thị trường này trục trặc, chỉ sau 30 phút, chủ trang trại chăn nuôi đã nắm được thông tin. "Vấn đề ở chỗ, chúng ta đang thiếu một "nhạc trưởng" để điều tiết, xử lý khi xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Các chủ trang trại thừa biết và hiểu tình hình, nhưng thay vì giảm đàn, xây dựng kế hoạch chăn nuôi ổn định thì nhiều nơi lại thi nhau tăng đàn, cướp cơ hội thị trường. Tâm lý "được ăn cả, ngã về không” vẫn tồn tại trong tiềm thức của nhiều chủ trang trại" - ông Long nói.
Nhiều năm tham gia lĩnh vực giết mổ, xuất khẩu thịt lợn, chủ cơ sở giết mổ Minh Hiền ở huyện Thanh Oai cho biết: Mỗi thị trường có một đòi hỏi riêng biệt về chủng loại thịt lợn. Ví như thị trường Nga, ít khi nhập lợn có trọng lượng hơn 100kg/con. Nước này chủ yếu nhập khẩu lợn có trọng lượng khoảng 70kg/con và nhập nguyên con đã qua giết mổ, cấp đông đạt chuẩn. Còn thị trường Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không qua giết mổ, nhưng những năm gần đây, thị trường này đã bị thu hẹp do độ đồng đều của sản phẩm không cao, giá cao hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan. Nếu Việt Nam chinh phục được thị trường Trung Quốc thì sẽ chủ động hơn trong sản xuất, không còn cảnh hàng trăm xe tải chở lợn từ Nam ra Bắc, xếp hàng qua cửa khẩu dẫn tới nhiều hệ lụy từ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT đang đàm phán để xuất khẩu thịt lợn theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Việc chính thức hóa thị trường chính ngạch không thể làm trong một sớm một chiều, mà còn cần hài hòa với các quy định khác để bảo đảm an toàn dịch bệnh, chất lượng hàng hóa và quan hệ thương mại.
Trao đổi nội dung trên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho rằng: Về dài hạn, người chăn nuôi phải liên kết, đầu tư công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm đồng đều chất lượng để có thể hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khác, không quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Các địa phương nên tập trung hình thành các tổ đội, HTX chăn nuôi lợn để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa là đầu mối cung cấp số liệu tổng đàn nhanh chóng, chính xác cho cơ quan chức năng khi thu thập, tổng hợp tình hình… Mặt khác, để tránh tình trạng bỏ chuồng, gây mất cân đối cung cầu trong thời gian tới, người chăn nuôi cần tiếp tục ổn định đàn nuôi trong mọi trường hợp, tránh giảm đàn đột ngột. Bởi nếu người chăn nuôi bỏ trống chuồng ồ ạt, dự báo từ 4 đến 6 tháng nữa, thị trường trong nước sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Khi đó, giá thịt hơi lại tăng, thị trường thịt lợn sẽ tiếp tục mất cân đối cung - cầu và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ.