Đảo núi lửa tại Nhật Bản có thể là nơi bảo vệ san hô

Công nghệ - Ngày đăng : 10:38, 18/04/2017

(HNMO) - Các nhà khoa học tin rằng, chìa khóa sinh tồn của những rạn san hô đang thưa thớt dần trên khắp thế giới có thể nằm ở vùng biển xung quanh hòn đảo núi lửa của Nhật Bản.

Các rạn san hô trên thế giới đang bị mất dần môi trường sống lý tưởng do biến đổi khí hậu.


Vùng biển xung quanh đảo Shikine, cách thủ đô Tokyo (Nhật Bản) 160km về phía nam, đang trở thành “phòng thí nghiệm sống” của các nhà nghiên cứu trên tàu Tara thuộc đoàn thám hiểm do Pháp dẫn đầu, nhằm tìm ra các biện pháp bảo vệ san hô khỏi tác động của biến đổi khí hậu.

Các rạn san hô chỉ chiếm khoảng 0,2% bề mặt đại dương toàn cầu, nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng như nơi ẩn náu của khoảng 30% động thực vật biển và là nguồn thức ăn của nhiều loại sinh vật biển.

Một trong những điều kiện đặc biệt của đảo Shikine là sở hữu núi lửa nằm dưới biển có thể giải thoát khí carbon dioxide (CO2) và làm cho nước biển ít kiềm hơn. Sự tích tụ khí CO2 do phát thải hiệu ứng nhà kính hay hoạt động của núi lửa dưới biển có thể làm tăng nhiệt độ và chuyển hóa một số yếu tố hóa học trong nước biển - quá trình này được gọi là axit hóa. Tốc độ biến đổi khí hậu như hiện nay khiến sinh vật khó thích ứng với môi trường sống.

Các nhà khoa học cho biết, một số vùng nước ít kiềm ở đảo Shikine là nơi lý tưởng để nghiên cứ về các hoạt động của các sinh vật biển, bao gồm cả san hô phát triển thế nào trong môi trường không thuận lợi.

Những rạn san hô ở Nhật Bản có thể cung cấp dữ liệu quan trọng liên quan đến cuộc sống của các sinh vật biển khi Great Barrier Reef (Đại Bảo Tiều) của Australia đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất.  

Tiến Đạt