Phòng tránh bệnh rôm sảy mùa hè ở trẻ sơ sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:26, 18/04/2017
Bệnh rôm sảy tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không biết cách chăm sóc có thể dẫn đến những biến chứng như: Viêm nang lông, nhọt, viêm da, nhiễm trùng da... Để bảo vệ làn da mỏng manh của bé, các mẹ hãy lưu ý những kiến thức về bệnh rôm sảy dưới đây:
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè khiến cơ thể trẻ phải tiết ra nhiều mồ hôi để làm giảm nhiệt độ của cơ thể. Do tuyến mồ hôi ở trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên mồ hôi bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết, gây rôm sảy.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do cha mẹ mặc quá nhiều quần áo cho trẻ hoặc mặc quần áo không thấm hút mồ hôi, thường xuyên quấn tã cho trẻ.
Khi trẻ bị sốt cao, các tuyến mồ hôi cũng tăng cường hoạt động để thải nhiệt; các chất bẩn trên da làm cho tuyến mồ hôi của bé bị tắc, gây ra tình trạng rôm sảy.
2. Biểu hiện của rôm sảy
Rôm sảy thường mọc thành từng đám ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như: ngực, lưng, trán, nách, bẹn. Trường hợp nặng có thể bị rôm sảy toàn thân. Những tổn thương của rôm sảy là mẩn đỏ có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng. Da của trẻ bị viêm nên thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon do ngứa. Trẻ ngứa thường hay gãi làm cho da dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi thời tiết mát mẻ, rôm sẽ tự lặn hết. Khi trời nóng bức trở lại, rôm sảy lại xuất hiện.
3. Cách xử lý
- Luôn cho trẻ ở nơi thoáng mát và thông gió, tránh nơi nóng bức, ngột ngạt.
- Tắm cho trẻ mỗi ngày để cơ thể mát mẻ, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bít kín. Sau khi tắm, lau bằng khăn mềm, thấm hút tốt và không chà mạnh lên da.
- Mẹ nên cho trẻ mặc những quần áo bằng vải cotton mềm, rộng thoáng, thấm hút mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi.
- Cắt móng tay cho trẻ để tránh trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
- Cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi để bù lượng nước đã mất trong quá trình thải nhiệt. Những loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh còn giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.