14 bộ nợ thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 18/04/2017
“Trước đây, ít khi chúng ta để ý tiến độ ban hành các thông tư, nhưng nay Thủ tướng giao Tổ công tác đốc thúc cả vấn đề này, vì không có thông tư thì luật không đi được vào cuộc sống”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhấn mạnh tại buổi kiểm tra chiều 17-4. Tại đây, Tổ công tác đã kiểm tra, đôn đốc 14 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: VGP |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hiện còn 25 văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh (đã có hiệu lực thi hành) bị nợ đọng, gồm 8 nghị định, 1 quyết định và 16 thông tư. Các cơ quan nợ đọng gồm Bộ Tài chính (4 nghị định và 1 thông tư), Bộ Y tế (1 nghị định và 7 thông tư), Bộ Thông tin và Truyền thông (1 quyết định và 2 thông tư), Bộ Quốc phòng (2 thông tư), Bộ Công Thương (2 thông tư); các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có 1 nghị định; các bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư đều có 1 thông tư. Đây là con số lớn so với thời điểm cuối năm 2016 khi Chính phủ không nợ đọng bất kỳ văn bản nào. Bên cạnh đó, 17 văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh (có hiệu lực từ ngày 1-6 và 1-7 tới đây) có khả năng sẽ bị chậm trễ, gồm 8 nghị định, 2 quyết định và 7 thông tư.
Trước đó, tại buổi kiểm tra ngày 24-3 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, trình ký ban hành các văn bản này trước ngày 15-5-2017. Trong số này, có những văn bản đang được dư luận rất quan tâm như dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an xây dựng; dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô do Bộ Công Thương xây dựng. Đại diện các bộ đã giải trình, làm rõ về nguyên nhân chậm trễ trong xây dựng các văn bản trên, đồng thời cam kết rõ thời hạn hoàn thành nhiệm vụ.
Các thành viên Tổ công tác đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ vẫn là do yếu tố chủ quan, nhiều đơn vị chưa quyết liệt. Thêm vào đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan cũng còn nhiều bất cập. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu, quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để khoảng trống pháp lý. Các bộ trưởng cần dành thời gian tối đa, ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện nhất để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. Quan điểm của Thủ tướng là phải bảo đảm tiến độ, hiệu lực và chất lượng của văn bản, không có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế và tăng cường sự phối hợp của các bộ ngành.
Qua kiểm tra, trong số 25 văn bản nợ đọng, có 8 nghị định có thể hoàn thành ngay trong tháng 4-2017. Các văn bản còn lại cũng cần khẩn trương hoàn thành dứt điểm. Trong trường hợp các bộ có xung đột về quan điểm, VPCP sẽ là cơ quan trung gian, cùng làm việc trực tiếp với các bộ để xử lý, tránh tình trạng văn bản “đẩy đi đẩy lại” giữa các bên.