Đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp ở Hà Nội: Đa dạng hóa các chính sách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 19/04/2017
Ứng dụng cơ giới hóa mới chỉ tập trung vào sản xuất lúa gạo. Ảnh: Anh Tuấn |
Mới dừng lại ở sản xuất lúa
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Thủ đô, trong lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội, cơ giới hóa (CGH) khâu làm đất tăng cao nhất, đạt 95% diện tích. Tiếp đến, diện tích gieo cấy lúa gặt bằng máy đạt 45,5%; diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%, diện tích cấy lúa bằng máy chỉ đạt 2,45%. Tương tự, CGH trong chăn nuôi bò sữa, khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%... So với các tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ CGH của Hà Nội thấp: Ngành Trồng trọt mới CGH 4 khâu trong sản xuất lúa, ngành Chăn nuôi mới CGH được 5 khâu trong chăn nuôi bò, lợn, gà.
Huyện Phú Xuyên dẫn đầu thành phố về đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp nhưng mới tập trung chủ yếu trong sản xuất lúa. Còn với Đông Anh, một trong những huyện có nhiều cải tiến tích cực nhưng cũng mới chỉ áp dụng được CGH trong sản xuất lúa, chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Đến nay, tỷ lệ CGH trong chăn nuôi, trồng trọt của địa phương mới đạt trung bình từ 3% đến 7% ở hầu hết các khâu. Các vùng sản xuất rau, hoa, chăn nuôi của huyện bước đầu hình thành vùng chuyên canh tập trung, song việc ứng dụng CGH vào nông nghiệp còn khó do chi phí mua máy móc khá cao, vả lại nông dân chưa mặn mà với việc đưa CGH vào nông nghiệp.
Là người đã có trên 30 năm làm nghề giết mổ, chế biến thịt bò, ông Nguyễn Hữu Vui, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối (Đông Anh) chia sẻ: "Đến nay, khâu nuôi vỗ béo bò cũng như chế biến, gia đình tôi đều làm thủ công. Cũng biết đưa máy móc vào sẽ thuận lợi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng vì chăn nuôi, giết mổ vẫn tập trung trong khu dân cư, quy mô nhỏ nên việc đưa máy móc vào cũng không dễ. Vả lại, giá thành các loại máy lại cao”.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ CGH trong khâu làm đất lên trên 95%, khâu cấy lên 40%, gặt đập lên 60%. Trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ CGH khâu thái cỏ và vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại lợn, gà đạt 30%... Để tháo gỡ rào cản lớn nhất trong việc đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp (là chính sách hỗ trợ máy móc), trong những năm gần đây, Nhà nước và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách định hướng để phát triển, khuyến khích, hỗ trợ, chế tạo, sử dụng trang thiết bị máy móc trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, ít địa phương vận hành được. Hai khó khăn lớn của CGH tại Hà Nội cũng như các địa phương khác là không tích tụ được ruộng đất và giá thành máy còn cao. Theo các chuyên gia, trong khi điều kiện tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực có hạn, thì giải pháp phù hợp nhất là lựa chọn những dòng sản phẩm phù hợp với các ngành hàng sản xuất. Với Hà Nội, đưa CGH vào sản xuất nên ưu tiên cho những cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Về quan điểm này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang áp dụng linh hoạt mọi chính sách giúp doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho CGH. Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, các cấp chính quyền địa phương đứng ra “gom đất” của các hộ dân nhằm thu hút doanh nghiệp đưa máy móc, công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đề xuất thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ mua máy móc để khuyến khích người dân đầu tư. Theo đó, mức hỗ trợ trực tiếp 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy, thiết bị. Đồng thời, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để các HTX nông nghiệp là nòng cốt trong quá trình thực hiện CGH. Sớm hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ CGH nông nghiệp quản lý, sử dụng tốt thiết bị CGH; cải tiến máy, thiết bị bảo đảm tính đa năng phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng, đặc điểm đất đai, điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng và giá thành hạ để cạnh tranh với máy, thiết bị CGH nước ngoài.