Biểu quyết công nhận Sầm Sơn là thành phố thuộc tỉnh Thanh Hóa
Chính trị - Ngày đăng : 13:42, 19/04/2017
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Thị xã Sầm Sơn lên thành phố
Tờ trình về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa của Chính phủ nêu rõ phương án thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn: thành lập các phường: Quảng Cư trên cơ sở toàn bộ 6,42 km2 diện tích tự nhiên và 11.403 người của xã Quảng Cư; Quảng Châu trên cơ sở toàn bộ 7,99 km2 diện tích tự nhiên và 9.217 người của xã Quảng Châu; Quảng Thọ trên cơ sở toàn bộ 4,69 km2 diện tích tự nhiên và 8.472 người của xã Quảng Thọ; Quảng Vinh trên cơ sở toàn bộ 4,73 km2 diện tích tự nhiên và 10.300 người của xã Quảng Vinh; thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở toàn bộ 44,94km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn (sau khi thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh).
Sau khi thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (27 đơn vị) và cấp xã (635 đơn vị) nhưng có chuyển một thị xã thành một thành phố (từ một thành phố, hai thị xã và 24 huyện thành hai thành phố, một thị xã và 24 huyện) và chuyển bốn xã thành bốn phường (từ 30 phường, 28 thị trấn và 577 xã thành 34 phường, 28 thị trấn và 573 xã).
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn, tạo động lực cho việc xây dựng thị xã Sầm Sơn phát triển toàn diện theo định hướng trở thành đô thị du lịch cấp quốc gia; đô thị tương hỗ cho thành phố Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn; hình thành tam giác tăng trưởng thành phố Thanh Hóa-Sầm Sơn-Nghi Sơn; là động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và có tác động đến phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Các ý kiến đánh giá việc thành lập 4 phường thuộc thị xã và thành phố Sầm Sơn phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; 4 xã được đề nghị thành lập phường và thị xã Sầm Sơn đã đạt các tiêu chuẩn đô thị loại III.
Theo Đề án của Chính phủ và giải trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, việc thành lập mới 4 phường và thành phố Sầm Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các đơn vị hành chính hiện có (không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã), do đó không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Thanh Hóa quản lý. Riêng việc tổ chức lực lượng công an chính quy ở 4 phường mới, Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ bố trí, cân đối trong số lực lượng công an chính quy trên địa bàn cho phù hợp, bảo đảm không làm tăng biên chế lực lượng Công an tỉnh.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan chức năng cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn được chuyển từ nông thôn lên đô thị và cán bộ, công chức hiện có của thị xã Sầm Sơn để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị ngay sau khi thành phố Sầm Sơn được thành lập.
Tỉnh cũng cần có những giải pháp để đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; quan tâm tới vấn đề môi trường sinh thái cũng như văn hóa và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân...
Bãi biển Sầm Sơn, một trong nhũng điểm thu hút đông khách du lịch. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN) |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc thành lập các phường thuộc thị xã Sầm Sơn đồng thời với việc thành lập thành phố Sầm Sơn, vì các đơn vị hành chính này đã bảo đảm đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; việc thành lập các phường trước sau đó thành lập thành phố cũng bảo đảm đúng trình tự quy định. Mặt khác, việc thành lập thành phố ngay sau khi thành lập các phường cũng làm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Thông qua Nghị quyết về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao nêu rõ để bảo đảm hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia theo quy định, Tòa án Nhân dân Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, thay bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do thay đổi lĩnh vực công tác.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thẩm tra đánh giá việc Chánh án Tòa an Nhân dân Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 70 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Qua xem xét Tờ trình, lý lịch của người được đề cử, các tài liệu kèm theo, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy ông Ngô Sách Thực có đủ điều kiện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Chiều nay, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016./.