Hãy đọc sách mỗi ngày!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 21/04/2017
Tại Hà Nội, đáng chú ý là loạt hoạt động quảng bá sách và văn hóa đọc tại Thư viện Quốc gia - được tổ chức với chủ đề “Sách - Tri thức và phát triển xã hội”. Nhiều trường học đã tổ chức hoạt động giới thiệu sách, giáo dục cho trẻ ý nghĩa của sự đọc và phát động phong trào quyên góp sách dành tặng các bạn ở những vùng còn khó khăn…
Không khí lan tỏa giá trị quý báu của sách, sự quan tâm thấy rõ của bạn đọc, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, học sinh tại những hoạt động nói trên cho thấy sách, sự đọc và văn hóa đọc là một chủ đề được quan tâm trên phạm vi toàn quốc hiện nay, đặc biệt từ khi Chính phủ đề ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam. Sau khi ra quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam - kể từ năm 2014, tới ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tại quyết định này, mục tiêu của đề án được xác định: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”.
Đó là những tín hiệu đem lại tâm lý lạc quan, không chỉ đối với sự đọc và văn hóa đọc, mà còn với sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa, nhân cách con người Việt Nam nói riêng. Như M.Gorky từng nói về sách và ý nghĩa của sự đọc: “Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức… Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất”.
Nhân cách của con người có điều kiện phát triển mặt tích cực trong môi trường xã hội lành mạnh, lòng nhân ái được phát huy khi con người được sống trong tình yêu thương. Sách như người thầy, là người dẫn đường đến tri thức, đồng thời đem lại những câu chuyện, bài học khiến con người biết xót xa, biết yêu thương, quý trọng đồng loại. Càng nhiều người đọc sách, nhất là những cuốn sách thuộc dòng sách được gọi là “Hạt giống tâm hồn” thì xã hội càng có nhiều người biết yêu thương và ứng xử nhân văn.
Ngày Sách Việt Nam đã có 4 năm phát triển. Mô hình Hội sách đã thành hoạt động văn hóa quen thuộc. Những hoạt động, sự kiện mang tính điểm nhấn đó có ý nghĩa thổi bùng ngọn lửa tình yêu đối với sách, quảng bá cho sách - nguồn tri thức của con người. Ngọn lửa đó cần được nuôi dưỡng nhờ công sức của cả cộng đồng, theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ thông qua bản đề án về phát triển văn hóa đọc. Ở đó có nhiều phần việc cần phải thực hiện, từ hoàn thiện hệ thống thư viện, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức xuất bản phẩm cho đến trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho giới trẻ, đẩy mạnh xã hội hóa việc đưa sách về địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Làm sao đó để ai cũng muốn và có thể đọc sách mỗi ngày là cái đích cần hướng tới.