Vạn chài thôi "kiếp lênh đênh"
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:12, 21/04/2017
Nhà văn hóa khu dân cư xóm chài Vạn Thắng Lợi được xây dựng khang trang, sạch đẹp. |
Từ "vật vã" lên bờ...
Nhớ lại thời lam lũ, mong manh phận người làng chài nơi sông nước, ông Trần Việt Lượng không khỏi bùi ngùi: Những cư dân đầu tiên của xóm chài Vạn Thắng Lợi trước đây là người xã Phương Đình, mưu sinh dọc sông Đáy (đoạn gần cầu Phùng) di cư đến lập nghiệp. Vì không có "nhà" nên họ rất thiệt thòi, trú ngụ không ổn định, đánh bắt cá dọc sông Hồng. Năm 1954, những hộ dân của xóm vạn chài chia làm hai ngả: Một số ngược lên xã Trung Châu lập làng chài Vạn Vĩ và một số xuôi xã Hồng Hà lập xóm chài Vạn Thắng Lợi. Giống như nhiều làng chài khác, cuộc sống của người dân xóm chài Vạn Thắng Lợi trước đây vô cùng khó khăn, kinh tế dựa hoàn toàn vào nguồn lợi tự nhiên. "Nhà" của họ là chiếc thuyền rộng khoảng 10-20m² và một chiếc đò nhỏ để đánh bắt cá. Trên thuyền lớn, vừa chứa đồ dùng chài lưới, vừa là nơi sinh hoạt của cả gia đình nên rất bất tiện. Bà Đông, một cư dân của Vạn Thắng Lợi ngậm ngùi nhớ lại: Đời vạn chài lênh đênh, bất kể mưa nắng vẫn khua mái chèo khắp khúc sông kiếm con tôm, con cá để bán đổi lấy gạo, rau, đồ dùng sinh hoạt... Khổ nhất là vào mùa mưa bão, thuyền bị trôi dạt, đứt bữa là chuyện thường, có khi vỡ thuyền thì "màn trời chiếu đất"... Đói nghèo cộng với nay đây mai đó nên con trẻ làng chài thay vì cắp sách đến trường phải theo bố mẹ đi đánh cá khắp nơi. Nhà nào cố gắng lắm cũng chỉ cho con học biết mặt chữ là nghỉ. Những ngày ấy, khao khát cháy bỏng của người xóm chài là được "lên bờ" để an cư nhưng "lực bất tòng tâm", vì để có tiền mua được đất, dựng căn nhà không hề dễ...
Mọi thứ như trong mơ khi vào năm 2003, UBND xã Hồng Hà triển khai chủ trương tái định cư cho các hộ dân vạn chài. 30 hộ đầu tiên có nguyện vọng đã được chính quyền cấp đất rộng 100m2/hộ tại thôn Tiên Tân. Tiếp tục thời gian sau đó, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và từng hộ dân, đến năm 2010, toàn xóm Vạn Thắng Lợi đã có 75 hộ dân được "lên bờ". Nhờ an cư nên kinh tế các hộ vạn chài nhanh chóng ổn định, đời sống từng bước khấm khá.
Không chỉ có nhà vững chãi, xóm chài còn được chính quyền cấp 1.000m2 đất để xây nhà văn hóa khang trang. Như vậy, từ chỗ chỉ biết làm bạn với sông nước, người dân chài Vạn Thắng Lợi đã có ngôi nhà riêng vững chãi để chở che gia đình; đồng thời còn được chia sẻ với cộng đồng ở "ngôi nhà chung" những nhu cầu về đời sống tinh thần như hội họp, văn hóa, văn nghệ, thể thao... - điều mà trước đây vô cùng xa vời. Anh Nguyễn Văn Thảo - một trong những hộ dân chài Vạn Thắng Lợi được chính quyền cấp đất, cùng sự hỗ trợ của người thân, vợ chồng anh đã cất được ngôi nhà nhỏ. “Có nhà mới nằm gần sông nên gia đình vừa nuôi cá lồng, vừa chài lưới, mỗi tháng thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình từ ngày "lên bờ" ngày càng ổn định" - anh Thảo phấn khởi.
... đến "đầu tàu" kinh tế của xã!
Vạn Thắng Lợi bây giờ vẫn mang danh "xóm chài" bởi số hộ dân để thành lập quy mô một thôn chưa đủ. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Đình Đà cho biết: Dân số không nhiều, lại gặp khó khăn trong quá khứ nhưng hiện nay, Vạn Thắng Lợi đang được coi là “đầu tàu” kinh tế của xã Hồng Hà bởi có nhiều hộ giàu có, kinh doanh phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà thành, những đổi thay ở xóm chài bắt đầu từ năm 1991, khi người dân được vay vốn ưu đãi để nuôi cá lồng. Chỉ được vay vốn 6 triệu đồng/hộ, song đối với người dân xóm nghèo thì đó là "cơ hội vàng". Với lợi thế kinh nghiệm của nghề đánh bắt cá, người xóm chài tự tin đầu tư sắm lồng bè, mua cá giống về nuôi. Không phụ công người chăm, con cá, con tôm đã mang cuộc sống ấm no về nơi đây.
Thoát nghèo, có của ăn của để và tận dụng lợi thế có cảng lớn ở khu vực sông Hồng, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư thuyền bè làm dịch vụ, hiệu quả cao hơn hẳn so với nghề đánh cá. Đến nay, xóm chài nhỏ bé chưa đến 100 hộ nhưng hơn 40 gia đình đã có tàu sông chuyên chở xi măng, cát sỏi, than, gỗ… từ khắp nơi về tập kết ở bến cảng, cung cấp cho cả một vùng rộng lớn. Trong đó, hộ gia đình ông Trần Việt Lượng đã thành lập doanh nghiệp vừa kinh doanh dịch vụ vận tải, vừa kinh doanh bến bãi, bán vật liệu xây dựng... giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm chài Vạn Thắng Lợi Trần Việt Hoa cho hay: Các hộ dân ở đây khá nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế, nếu không đủ vốn, họ cùng nhau góp vốn để đầu tư. Khoảng 2-3 hộ mua chung 1 tàu trị giá từ 400 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, đến nay cả xóm có 27 tàu công suất từ 100 đến 200 tấn. Hằng ngày, các tàu này tỏa đi khắp nơi chở thuê vật liệu xây dựng dọc sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội rồi xuôi xuống Thái Bình...
Ở xóm chài dường như không hộ nào chịu "nghèo", nếu không làm dịch vụ thì nuôi cá lồng. Hiện nay, xóm có 10 hộ đang theo nghề này rất hiệu quả. Thay vì nuôi trắm cỏ, một số hộ đã chuyển sang nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá chiên... cho giá trị cao hơn. Một số hộ khác vẫn làm nghề chài lưới trên sông nhưng theo hướng khoa học hơn. Anh Nguyễn Văn Thảo cho biết, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng dồi dào, các loại lưới đánh cá cũng đa dạng, chắc chắn nên nhiều hôm gia đình anh đánh bắt được từ 40 đến 50kg cá hoặc may mắn "trúng" mẻ cá lăng, cá ngạnh lớn, bán cho các nhà hàng thu về tiền triệu...
Với niềm tự hào về địa phương mình, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Đình Đà cho biết: Nếu như cách đây chừng 20 năm, cuộc sống của dân chài dựa hoàn toàn vào sông nước, đời sống bấp bênh, đói nghèo đeo đẳng thì nay cả xóm chỉ còn 4 hộ nghèo. Các hộ dân ở Vạn Thắng Lợi cũng có tinh thần đoàn kết cao, khi nhà nào có việc thì cả xóm cùng giúp, đặc biệt không có tệ nạn xã hội... Trong xóm chưa có tình trạng mâu thuẫn và đơn thư khiếu nại lên các cấp chính quyền. Điều đáng mừng là từ khi "lên bờ", năm nào xóm chài cũng có con em đỗ đại học.
Sự đủ đầy, trù phú hiện hữu khiến bây giờ ai đến Vạn Thắng Lợi dường như không thể tin rằng, nơi đây, cái nghèo khó, lam lũ đã từng bủa vây.