Xác lập vị thế "khách hàng" của người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 21/04/2017
Cuộc tọa đàm đã chỉ ra các giải pháp để hướng tới sự cải thiện thực chất như đề cao vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và đặc biệt nhấn mạnh vị thế "khách hàng" của người dân.
Hà Nội có nhiều bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Linh Ngọc |
Năm 2016 vừa qua, Hà Nội có 4 chỉ số chỉ đạt mức trung bình thấp; đặc biệt chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân chỉ đạt 4,26/10 điểm. Tuy vậy, chỉ số thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công lại ở mức khá, với số điểm lần lượt là 7,09 và 6,8.
TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng nhận xét, qua thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của người dân theo nguyên tắc khách quan, trung thực cho thấy vẫn còn tương đối phổ biến tâm lý dựa vào quan hệ trong ứng xử, xử lý công việc hằng ngày. Nhìn chung người dân còn có tư tưởng e ngại, không muốn tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức... Từ đó, các cấp điều hành, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên vì Hà Nội là thành phố đông dân, có nhiều yêu cầu về xã hội, dân sinh nên người dân đòi hỏi cao hơn các địa phương khác; kết quả giải quyết công việc hành chính của cơ quan chức năng còn tình trạng không đúng hẹn; thủ tục rườm rà, thái độ tiếp xúc với dân của một bộ phận cán bộ chưa thật sự thân thiện, tôn trọng...
Các chuyên gia cho rằng, theo quy luật phát triển và xuất phát từ yêu cầu tự thân, Hà Nội cần tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ để cải thiện tình hình, gia tăng thứ hạng trong PAPI. Trong đó, cần xác lập quan điểm chính quyền, cơ quan nhà nước phục vụ người dân và người dân có quyền giám sát, đánh giá hiệu quả sự phục vụ đó như một sự thể hiện của mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, vì dân. Nói cách khác, đã đến lúc xác lập vị thế “khách hàng” của người dân để cơ quan quản lý, chính quyền phục vụ, người dân nhận xét.
Thực tế đặt ra yêu cầu làm rõ các nội dung và tham vấn, thu thập ý kiến của các chuyên gia; đặc biệt là xác định những giải pháp khắc phục tồn tại, cải thiện tình hình. Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đưa ra một số giải pháp, như: Tăng cường sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền và phản biện xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền để người dân biết và thực hiện; công khai danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Đáng chú ý là cần đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong việc giải quyết vướng mắc của dân, nhất là đối với việc tố cáo, khiếu nại, tăng cường đối thoại với dân; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, đề cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho dân; bảo đảm chất lượng môi trường, an ninh và an sinh xã hội; tăng cường hoạt động giám sát của các đoàn thể và tăng cường, nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thành phố phấn đấu đưa vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Để mục tiêu này thành hiện thực, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của các sở, ngành, địa phương cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...