Bộ máy tốt, cán bộ tốt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 22/04/2017
Kết quả rõ nét nhất là bộ máy hành chính các cấp được cải cách gọn nhẹ, hiệu quả, vận hành theo tinh thần: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Đặc biệt, điểm sáng đáng ghi nhận là trong 2 năm triển khai nghiêm túc Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được nâng lên. Đáng chú ý, quá trình thực hiện luôn tạo được sự đồng thuận cao, không xảy ra khiếu nại, mất đoàn kết.
Hiệu quả đã rõ nhưng vấn đề dư luận quan tâm nhiều hiện nay là việc cải cách bộ máy hành chính cần khắc phục tình trạng “ngoài co, trong phình” hoặc “không rõ người, không rõ việc”. Thực tế cho thấy, một cơ quan được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập để giảm đầu mối sẽ kéo theo nhiều “cái mới” như quy định chức năng, nhiệm vụ mới, rồi cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chưa kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng tăng đáng kể. Ở đây, đòi hỏi bản thân người cán bộ, công chức cần ý thức được trọng trách, nhiệm vụ của mình đang thực hiện là vì mục tiêu cao nhất: Xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn và đề cao tính hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân và yêu cầu phát triển hiện nay.
Một trong những cái đích cao nhất của công tác cải cách bộ máy và tinh giản biên chế là có được những cán bộ có đức, có tài phục vụ nhân dân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. “Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Và, “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong”. Để hướng đến bộ máy hành chính hiệu quả, tìm được người “cán bộ tốt” thực tế cho thấy, việc xây dựng cơ chế đặc thù là cần thiết và cấp bách để vừa khuyến khích, vừa bảo đảm sự công bằng. Bên cạnh đó là tiếp tục mở rộng mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để khai thác triệt để tài nguyên trí tuệ, sự năng động và dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức. Việc tuyên truyền để người cán bộ, công chức thấy rõ được lợi ích và tự nguyện thực hiện cũng cần thiết vì chỉ khi họ “thông” thì việc cải cách bộ máy mới phát huy hiệu quả. Mỗi cán bộ, công chức đều tự nâng cao ý thức, trách nhiệm sẽ góp phần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô “Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện”.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Số lượng công việc của mỗi cấp, mỗi ngành cũng rất lớn và khác nhau. Những lĩnh vực như quản lý đô thị, xây dựng, tài nguyên môi trường... ở cấp quận, huyện và xã, phường luôn bị “kêu” là quá tải. Vì vậy, trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy, các địa phương cũng cần linh hoạt, "cân đối" đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, trên cơ sở vị trí công việc.
Cải cách bộ máy hành chính là việc khó, “đụng chạm” nhiều người, nhiều vị trí. Duy trì cách làm quyết tâm - bài bản - khoa học ở mỗi cơ quan, mỗi đơn vị sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn, tích cực hơn nữa.