Giảm đầu mối, tăng hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 22/04/2017

(HNM) - Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả

Tinh gọn, hiệu quả

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" và ngay sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, Hà Nội đã rà soát lại thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn của thành phố, các quận, huyện... Thành phố cũng quyết liệt đẩy mạnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội nhằm giảm tải công việc cho cấp thành phố, đồng thời mở rộng quyền hạn của cấp dưới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính là một trong những kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội trong những năm qua. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành



Theo đó, 22 sở, ngành và các đơn vị tương đương sở, các cơ quan chuyên môn quận, huyện, thị xã được xác định lại chức năng, nhiệm vụ. Qua rà soát, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, số lượng phòng chuyên môn, văn phòng, thanh tra trên địa bàn thành phố hiện giảm 27,5%, số đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm 29,8% so với năm 2011. Hà Nội đã giảm từ 204 phòng còn 158 phòng; giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị sự nghiệp công thuộc sở. Các quận, huyện đã giảm được 3 phòng dân tộc, hiện chỉ còn huyện Ba Vì có bộ phận này. Riêng đơn vị sự nghiệp khối quận, huyện, thị xã giảm rất lớn, từ 169 xuống còn 66 đơn vị. Đặc biệt, thành phố đã tinh giản biên chế 5 đợt với 297 trường hợp, trong đó có 47 công chức, 184 viên chức và 66 công chức cấp xã. Có thể nói, đây là lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay.

Là đơn vị đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Sở Nội vụ đã giảm 2 phòng chuyên môn, hiện còn 7 phòng. Đặc biệt, Sở đã gắn việc tinh giản biên chế với thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội nhằm hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện”. Sau một thời gian thực hiện, ý thức trách nhiệm và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức đều được nâng lên...

Tương tự, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy được thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Bộ phận "một cửa" của hai sở đều đã thực hiện số hóa nhiều tài liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nên dù người ít hơn, nhưng chất lượng, hiệu quả, thời gian trả hồ sơ lại nhanh hơn.

Phát huy kết quả đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục tinh giản theo mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. UBND thành phố đang nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù để khuyến khích những cán bộ không phù hợp với vị trí đảm nhận hoặc hạn chế về sức khỏe tự nguyện tinh giản biên chế; khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm và hưởng 30% thu nhập của vị trí kiêm nhiệm. Song song với đó, thành phố tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa. Lấy ví dụ về việc tự chủ ở Bệnh viện Tim Hà Nội, với 304 biên chế, ngân sách không phải trả lương mà chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng lên, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, đây sẽ là giải pháp căn bản để đạt mục tiêu giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công việc.

Có chính sách thu hút người tài

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hà Nội là một trong những địa phương triển khai tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị theo hướng vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài việc giảm số đầu mối, cán bộ lãnh đạo, giảm số đơn vị sự nghiệp, việc điều chuyển chức năng nhiệm vụ ngày càng hợp lý hơn. Điều này thể hiện ở kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố những năm qua có sự tiến bộ vượt bậc, đóng góp chung vào sự phát triển của cả nước.

Tuy nhiên, với đặc thù là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội có diện tích lớn, mật độ dân số cao nên nhu cầu về bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô cũng đòi hỏi cao hơn các tỉnh, thành phố khác. Song, tổ chức các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã lại giống các địa phương khác vì đều tuân thủ Nghị định 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ, khiến nhiều địa phương rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết: “Hằng năm, quận Long Biên cấp vài nghìn giấy phép xây dựng, nhưng số biên chế ở Phòng Quản lý xây dựng đô thị của quận ít nên công chức thường xuyên phải làm việc đến 8-9h tối, cả thứ bảy, chủ nhật là bình thường. Dưới guồng quay công việc, cán bộ, công chức trên địa bàn quận Long Biên rất căng thẳng, thậm chí có người đã nộp đơn xin nghỉ, vì không chịu được áp lực”. Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên, Hà Nội cần được hưởng một cơ chế linh hoạt: Giảm ở chỗ thừa, chỗ nào thiếu vẫn phải tăng.

Ở góc nhìn khác, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối là chủ trương đúng đắn, nhưng cần cân nhắc tổng thể và thống nhất quan điểm giảm linh hoạt. Việc quan trọng không kém là bên cạnh việc tinh giản biên chế vẫn phải có chính sách thu hút người tài với chế độ đãi ngộ xứng đáng; hạn chế các thủ tục rườm rà trong tuyển chọn công chức, đặc biệt là với người có trình độ năng lực thực tế nổi trội…

Có thể nói, Hà Nội đã đạt được kết quả quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với Nghị quyết 39-NQ/TƯ. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đã đề ra trong những năm tới, bên cạnh sự cố gắng của thành phố, rất cần các cơ quan trung ương quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế đang đặt ra. Đây sẽ là tiền đề để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị thế của Thủ đô.

Hà Phong