Cầu nối để kiến trúc gắn bó với cộng đồng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 23/04/2017

(HNM) - Diễn ra từ ngày 19 đến 23-4 tại Đà Nẵng với nhiều hoạt động phong phú, Liên hoan Kiến trúc Việt Nam là sự kiện giàu ý nghĩa của Hội Kiến trúc chào mừng Ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4.

Một góc Triển lãm Kiến trúc quốc gia. Ảnh: Vy Khánh


Tôn vinh tác giả - tác phẩm kiến trúc ấn tượng

Điểm nhấn trong 5 ngày hoạt động của Liên hoan chính là Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2016-2017, tôn vinh các tác giả - tác phẩm xuất sắc được lựa chọn qua Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016 và các giải thưởng uy tín khác. Trong khuôn khổ triển lãm, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016, vinh danh 30 tác giả - tác phẩm xuất sắc trong tổng số 120 tác phẩm tham dự, với nhiều thể loại khác nhau như nhà ở, công trình công cộng, quy hoạch, ấn phẩm kiến trúc. PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đánh giá: "Các bài dự thi năm nay đa dạng về thể loại với nhiều xu hướng mới, nhiều đề tài phục vụ nhu cầu cấp thiết dân sinh, thể hiện trách nhiệm của giới KTS với cộng đồng".

Đáng chú ý, hệ thống đồ án của các tác giả tham dự cuộc thi "Ý tưởng thiết kế nhà ở cho tương lai", do Câu lạc bộ các trường đào tạo KTS tổ chức cũng được trưng bày dịp này. Với mục tiêu khơi dậy tư duy sáng tạo của sinh viên về kiến trúc nhà ở tương lai cho người Việt Nam, cuộc thi là cơ hội để sinh viên tự do phát triển tư duy sáng tạo tươi trẻ của mình. Giải nhất đã thuộc về hai sinh viên Nguyễn Bình Dương, Phạm Tuấn (Trường Đại học Xây dựng) với ý tưởng "táo bạo và độc đáo, đậm chất kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo nên một mô hình nhà ở tương lai mới, ấn tượng, trong đó tính tự do trong kiến trúc nhà ở được đề cao" - như đánh giá của PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Nguyễn Bình Dương cho biết: "Nhóm chúng tôi xây dựng ý tưởng từ nguồn cảm hứng được truyền tải từ các thầy cô, ví như thầy Hoàng Thúc Hào với bài thuyết trình về kiến trúc hạnh phúc. Tôi nghĩ từ sự "truyền lửa" kinh nghiệm của thầy cô giáo và quá trình tự nâng cao năng lực bản thân, nhóm đã hình thành phong cách kiến trúc của riêng mình".

Nhận xét về xu hướng thiết kế kiến trúc thể hiện qua các tác phẩm được trưng bày, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn đánh giá: "Yếu tố nổi bật nhất chính là sự tìm tòi, sáng tạo của KTS theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường, con người và thiên nhiên. Trong đó, các KTS trẻ thực sự là những người đi tiên phong trong việc truyền tải thông điệp quan trọng: Hãy đồng hành cùng giới KTS trong việc tạo lập môi trường sống xanh, an toàn và bền vững cho cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề thách thức".

Nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp

Có thể nói, Liên hoan Kiến trúc Việt Nam chính là cầu nối để giới KTS gắn bó hơn với xã hội, với cộng đồng, bằng chính những tác phẩm, câu chuyện của mình. Trong đó, một sự kiện thực sự có ý nghĩa với những người làm nghề, đó là Diễn đàn Kiến trúc Việt Nam 2017, với sự tham gia của các KTS nổi tiếng. PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông nhận xét: "Sự có mặt của KTS Bill Bensley (Mỹ) - thành danh với thiết kế kiến trúc nghỉ dưỡng mang phong cách Châu Á; KTS Eric Dubosc (Pháp) - một người luôn thiết tha với kiến trúc xanh; KTS trẻ Chris Bosse người Australia gốc Đức, nổi tiếng với những công trình có sự gắn bó hữu cơ với thiên nhiên; hay KTS Salvador Perez Arroyo (Tây Ban Nha) và một số KTS người Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào... giúp chúng ta có thêm sự trao đổi cần thiết để nâng cao năng lực nghề nghiệp".

TS.KTS Hoàng Thúc Hào (KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc 1 1>2) cũng cho rằng, sự tham dự của các diễn giả nước ngoài nổi tiếng tại Diễn đàn lần này chính là cơ hội để người trong nghề thu hoạch thêm kinh nghiệm, trau dồi triết lý của người làm nghề. Trong đó phải khẳng định được vai trò, trách nhiệm xã hội của KTS trước những thách thức toàn cầu hóa, đô thị hóa với những vấn đề ô nhiễm, khoảng cách gia tăng giàu nghèo... Chia sẻ về sự dấn thân khi theo đuổi kiến trúc vì cộng đồng, TS.KTS Hoàng Thúc Hào bày tỏ: "Tôi nghĩ, cách để vượt qua mọi khó khăn chính là tình yêu, nghị lực, sự đam mê và kiên định. Kiến trúc là trải nghiệm, mỗi KTS trẻ cần tương tác với xã hội, có niềm tin để theo đuổi công việc của mình".

Cuộc sống đã và đang đặt ra rất nhiều bài toán cho KTS, ví như làm thế nào để ngày càng có nhiều hơn những ngôi nhà chống lũ, nhà lõi cho người dân ở những vùng hay bị lũ lụt? Phải làm sao để những sáng tác kiến trúc về những ngôi nhà giá rẻ nhưng hợp lý, gần gũi thiên nhiên cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể được ứng dụng rộng rãi...

Trả lời cho những câu hỏi lớn này, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, để đưa các ý tưởng kiến trúc thành các sản phẩm thông dụng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ hành lang pháp lý, sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong sản xuất; và truyền thông phải tốt để huy động sự chung tay của cộng đồng. Sẽ là "muối bỏ bể" nếu chỉ trông đợi vào những công trình "làm điểm".

Mai Hoa