Bước chuyển tích cực trong xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 24/04/2017
Doanh nghiệp trong nước vươn lên
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 3 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm hạt điều, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả... Đây cũng là xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay. Tính chung quý I năm nay, KNXK cả nước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ tăng của KNXK đã vượt 10%, ngưỡng này được đánh giá là mức tăng trưởng đạt yêu cầu trong nhiều năm qua. Đáng ghi nhận nữa là kết quả xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và khu vực trong nước có mức tăng khá đồng đều, tức là có sự thay đổi rõ rệt so với trước đây, với đặc điểm vốn ĐTNN thường tăng mạnh hơn khu vực trong nước.
Nói cách khác, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có sự tiến bộ trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, đã có sự chuyển dịch đáng kể về tốc độ tăng trưởng KNXK của các thị trường lớn, đơn cử như tốc độ tăng trưởng KNXK vào Trung Quốc tăng 43%, vào ASEAN tăng gần 22%. Các chuyên gia đánh giá cao kết quả này, bởi đây là hai thị trường tuy vẫn duy trì được mức tăng trưởng, nhưng thường chỉ đạt tốc độ thấp hơn hẳn mức trên trong thời gian trước đây.
Một hiện tượng khác, tuy không lớn về mặt giá trị kinh tế thuần túy, nhưng có ý nghĩa không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp, là KNXK rau, quả đã đạt khoảng 700 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy, trước đây KNXK nhóm hàng này ít khi đạt được kết quả tích cực như vậy. Đây sẽ là lực đẩy, tác động trực tiếp để phát triển nông nghiệp sạch, tập trung, phù hợp với định hướng, chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao. Dấu hiệu đáng lo ngại là mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ. Thực tế này đặt ra yêu cầu tìm hiểu vấn đề, phân tích một cách cụ thể để có cách khắc phục, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tìm lại đà tăng cũ.
Sự "đổi ngôi" khá rõ
Thực tế trên cho thấy, cơ cấu thị trường đang có sự đảo chiều, "đổi ngôi" khá rõ so với trước đây, thông qua sự tăng trưởng mạnh đối với các thị trường gần, như Trung Quốc, ASEAN, nhưng kết quả lại giảm tốc ở “chợ xa” gồm Hoa Kỳ, EU... Nếu xét tổng quát thì KNXK đã tăng khá cao, dù trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi của nền kinh tế trong nước cũng như sự bất ổn, trầm lắng của kinh tế toàn cầu. Vấn đề đặt ra là, tình hình diễn biến trên thị trường quốc tế vẫn trong giai đoạn điều chỉnh, nhất là ẩn chứa sự phức tạp, khó lường nên rất cần sự theo dõi thường xuyên của các cấp điều hành. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để chủ động vào cuộc, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung vào xuất khẩu trong thời gian tới.
Riêng với vấn đề mới phát sinh là Hoa Kỳ đang chủ trương “kéo” việc làm về cho doanh nghiệp trong nước cũng như chủ động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng, quy mô xuất khẩu của nhiều nước vào nước này, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu Việt Nam cũng nên tập trung nghiên cứu phương án mới để đối phó, gồm tìm thị trường mới, khai thác tốt thị trường trong nước theo hướng kết hợp phát huy tác động tích cực của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp đồng bộ với cộng đồng doanh nghiệp để làm tốt công tác dự báo thị trường, đặc biệt là điều tra nhu cầu, thị hiếu và xu hướng tăng, giảm giá trên thị trường quốc tế nhằm kịp thời hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp về thời điểm ký hợp đồng theo hướng tận dụng cơ hội để đạt được mức giá cao nhất.