Vòng đua đầy kịch tính

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 25/04/2017

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, thắng lợi vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngày 23-4 đã thuộc về ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen - Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia.

Hai ứng cử viên E.Macron và M.Le Pen sẽ tranh cử Tổng thống Pháp vòng quyết định vào ngày 7-5.



Theo kết quả Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 24-4, sau khi kiểm 46 triệu phiếu trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu, ông E.Macron dẫn đầu với 23,9% số phiếu trong khi tỷ lệ này của bà Le Pen là 21,4%. Trong số 9 ứng cử viên bị loại, 2 ứng cử viên chủ chốt gồm cựu Thủ tướng Francois Fillon giành được 19,96% phiếu, còn nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon được 19,49% số phiếu. Nhiều phân tích cho rằng, chính cuộc cạnh tranh giữa các đảng trung tả, trung hữu thời gian qua đã tạo điều kiện cho ông E.Macron và bà Le Pen giành được quyền đi tiếp vào vòng 2, sẽ diễn ra ngày 7-5 tới.

Cựu Thủ tướng F.Fillon, nhân vật từng được đánh giá cao nhất khi mở màn cuộc đua, đã bất ngờ bị bỏ lại phía sau. Tuy có 30 năm kinh nghiệm trên chính trường cùng chương trình tranh cử hướng tới cải cách có thể thúc đẩy kinh tế Pháp tăng trưởng trở lại, nhưng ông F.Fillon đã nhận thất bại vì bê bối trong vụ "làm giả, hưởng lương thật". Những tiết lộ của báo chí liên quan đến việc ông trả lương cho vợ và các con mình với tư cách trợ lý trong thời gian ông là nghị sĩ Quốc hội, dù trên thực tế họ không làm công việc này, đã gây ra cú sốc lớn trên chính trường Pháp. Từ ứng cử viên dẫn đầu, hình ảnh ông đã bị sứt mẻ, uy tín bị sụt giảm mạnh và cựu Thủ tướng trở thành tâm điểm tấn công của các đối thủ.

Theo các nhà bình luận, với quan điểm đối lập, vòng bầu cử quyết định giữa ông E.Macron và bà M.Le Pen sẽ thật sự khó lường. Hai nhân vật này được cho là sẽ mang lại cho nước Pháp hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau. Từng là Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên E.Macron được nhìn nhận là một chính trị gia trẻ trung, năng động và có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Việc ông thành lập phong trào Tiến bước - một cánh trung dung mới vượt qua ranh giới tả-hữu - được cho là góp phần đổi mới nền chính trị nước Pháp. Thời gian qua, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Pháp như cựu Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian hay nhà lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ Francois Bayrou. Cam kết tranh cử của chính trị gia 39 tuổi này là công khai ủng hộ Liên minh Châu Âu (EU) và quá trình toàn cầu hóa, muốn hội nhập sâu rộng hơn. Nếu ông chiến thắng, EU sẽ được cải cách và Châu Âu có cơ hội được phục hồi.

Trong khi đó, bà Le Pen trở thành ứng viên nặng ký trong cuộc đua giành ghế tổng thống sau khi những bất ổn liên tục ập đến Lục địa già vài năm qua và cuộc khủng hoảng tài chính gần một thập niên của Pháp. Việc những năm gần đây Pháp trở thành mục tiêu của khủng bố làm hơn 200 người thiệt mạng đã khiến cho những chính sách cực hữu của bà nhận được nhiều sự ủng hộ. Nếu bà Le Pen đắc cử, Châu Âu chắc chắn sẽ phải đứng trước một cơn địa chấn mới khi ứng viên này đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Pháp rời khỏi EU (Frexit). Bà Le Pen đã tuyên bố sẽ thắt chặt nhập cư, phục hồi chủ quyền quốc gia về tiền tệ, kinh tế, lập pháp và lãnh thổ.

Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy, ông E.Macron có nhiều lợi thế giành ghế tổng thống nhiệm kỳ mới hơn bà Le Pen. Các chính trị gia Pháp và cả Châu Âu cũng đang tìm cách vận động ủng hộ cho ứng viên đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, liệu người dân Pháp có đủ đoàn kết để chống lại nguy cơ cực hữu lên cầm quyền tại Pháp trong vòng 2, như họ đã từng làm cách đây 15 năm khi dồn phiếu cho ông Jacques Chirac để loại bỏ ứng cử viên cực hữu Jean Marie Le Pen (cha của bà Marine Le Pen) hay không vẫn là một ẩn số. Nói cách khác, nếu nhìn kết quả cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi EU của Anh và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, các thành viên EU hoàn toàn có lý do để thấp thỏm trong vòng 2 tuần tới.

Quỳnh Dương