Hà Nội: Nhiều di tích cho du khách mượn áo – lan tỏa hình ảnh đẹp

Văn hóa - Ngày đăng : 15:02, 25/04/2017

(HNMO) – Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng đã đi vào đời sống hơn 1 tháng nay, nhiều di tích của Hà Nội bắt đầu triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó đáng chú ý nhất là việc cho du khách mượn quần áo dài, tránh những trang phục hở hang, phản cảm.

Du khách thoải mái khi được mượn áo khi vào đền Ngọc Sơn. (ảnh Quang Thái)


Cho du khách mượn áo, hành động thiết thực cần nhân rộng

Đã hơn 1 tháng Hà Nội thực hiện áp dụng QTƯX nơi công cộng và bước đầu thu được những kết quả đáng kể. Ngay sau khi Bộ QTƯX nơi công cộng ban hành, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội ra văn bản yêu cầu một số đơn vị trực thuộc Sở triển khai thí điểm.

Đền Ngọc Sơn là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội cho du khách mượn quần áo dài trong trường hợp du khách mặc những trang phục không phù hợp như quần áo ngắn, hở hang. Bắt đầu từ ngày 10-4, đền Ngọc Sơn đã cho may 100 trang phục áo dài và hướng dẫn những du khách mặc trang phục không phù hợp được mượn. Việc làm này nhanh chóng tạo được thiện cảm với du khách trong và ngoài nước.

Sáng 25-4, trao đổi với HNMO, bà Nguyễn Thị Hòa – Trưởng Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội đã thực hiện thí điểm việc thiết kế quần áo dài cho du khách và áp dụng thực hiện thử nghiệm tại đền Ngọc Sơn – di tích được nhiều du khách đến tham quan. Bước đầu, việc làm này nhận được sự đánh giá cao từ phía du khách, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho Thủ đô Hà Nội.

Rất nhiều du khách mặc trang phục không phù hợp được mượn trang phục tại đền Ngọc Sơn (ảnh Quang Thái)


Trước đó, theo ghi nhận của PV HNMO, với sự hướng dẫn của BQL di tích đền Ngọc Sơn, rất nhiều du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài rất thoải mái với việc mượn áo trước khi vào đền. Phần lớn những khách mượn áo là những du khách tự do, do chưa hiểu phong tục, tín ngưỡng của người Việt khi đến những nơi thờ tự, tôn giáo nên họ mặc những trang phục khá thoải mái như quần đùi, áo hai dây, váy ngắn… Đối với những khách đi theo tour, do được các hướng dẫn viên nói rõ các quy định từ trước nên đã chuẩn bị trang phục phù hợp, ít phải mượn áo của BQL đền Ngọc Sơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, hiện nay Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội đã áp dụng thí điểm tại một số di tích khác của Hà Nội, ngoài Đền Ngọc Sơn còn có đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm… Tại những di tích này, BQL đã chuẩn bị sẵn quần áo cho du khách, tiền may trang phục là từ nguồn kinh phí thu được ở các điểm tham quan. Các mẫu áo cũng được thiết kế không rập khuôn để phù hợp với tín ngưỡng của từng nơi thờ tự.

Hiện nay, các di tích này đã bắt đầu thực hiện việc cho du khách mượn áo nhưng chủ yếu vẫn mang tính gợi mở. Theo bà Hòa, BQL các di tích này vẫn đang hoàn thiện việc in bảng, biển hướng dẫn bằng tiếng Anh và tiếng Việt vì thế vẫn chưa hướng dẫn cụ thể được cho du khách. Khi hệ thống biển hướng dẫn hoàn chỉnh thì việc chỉ dẫn du khách thực hiện theo Bộ QTƯX nơi công cộng sẽ hiệu quả hơn. “Chúng tôi vừa thí điểm thực hiện, vừa lắng nghe ý kiến của người dân, du khách để nếu có những điều chưa phù hợp sẽ điều chỉnh ngay. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là một việc làm thiết thực, góp phần vào xây dựng hình ảnh Hà Nội thanh lịch, văn minh”, bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Để Hà Nội ngày một đẹp hơn

Việc BQL các di tích trên địa bàn Hà Nội thí điểm cho du khách mượn trang phục phù hợp đã được nhân rộng hơn ở nhiều di tích khác.

Trao đổi với HNMO, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, đến chiều nay (25-4), BQL của Văn Miếu Quốc Tử Giám mới “chốt” các mẫu thiết kế và sẽ bắt đầu cho in, may. Trung tâm sẽ có hai mẫu trang phục dành riêng cho nam và nữ với một gam màu chung. Trên thân áo có in họa tiết, logo của Văn Miếu. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trước mắt Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ in 40 chiếc áo (20 nam và 20 nữ) để thí điểm và lắng nghe ý kiến của du khách, sau đó mới cho in đồng loạt. Dự kiến, giữa tháng 5, Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ áp dụng việc cho du khách mượn áo.

Về vấn đề này, đại diện BQL di tích Hỏa Lò chia sẻ, di tích đang lựa chọn mẫu thiết kế trang phục cho phù hợp. Trước mắt, BQL di tích Hỏa Lò chủ yếu nhắc nhở du khách ăn mặc lịch sự khi đến thăm di tích. Những khách mặc trang phục “mát mẻ” sẽ chỉ được vào thăm một số nơi nhất định.

Tại phủ Tây Hồ - di tích luôn đông khách thập phương đến lễ bái - dù không áp dụng hình thức cho mượn trang phục nhưng từ hơn một tháng nay vẫn thường xuyên nhắc nhở người đi lễ mặc trang phục phù hợp và có hành vi ứng xử văn minh. Ông Trương Chí Hồi – Phó Ban quản lý phủ Tây Hồ cho biết, số lượng du khách đến di tích vào những ngày rằm, mùng một rất đông, may trang phục sẽ không xuể, vì thế BQL di tích chủ yếu yêu cầu lực lượng bảo vệ nhắc nhở du khách, ngăn không cho những du khách mặc váy quá ngắn vào hành lễ nơi thờ tự.

Trao đổi với HNMO, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống của Sở VH-TT Hà Nội cho biết, việc một số di tích tổ chức may trang phục cho du khách mượn là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách ở nơi công cộng. Ngoài việc may trang phục, nhiều di tích đã cho in biển, bảng hướng dẫn các nội quy cũng như nhắc nhở người dân mặc trang phục phù hợp, có hành xử văn minh, văn hóa ở những nơi công cộng.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng nhận định, các di tích chủ động may trang phục cho du khách mượn là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm sao tuyên truyền được du khách khi đến thăm những di tích cần hiểu được văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam để có ứng xử phù hợp.

Thời gian tới, Sở VH-TT Hà Nội sẽ có công văn gửi Sở Du lịch và một số đơn vị lữ hành cùng phối hợp để tuyên truyền nội dung của Bộ QTƯX. Các công ty du lịch khi thực hiện tour, tuyến cũng phải có những khuyến cáo cho du khách khi đến Việt Nam cần “nhập gia tùy tục”, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, phù hợp với văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt Nam.

Hoàng Lân