Tạo nền tảng phát triển giáo dục bền vững
Giáo dục - Ngày đăng : 06:55, 26/04/2017
Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn |
Bước chuyển mạnh về chất
Nói về sự thay đổi toàn diện của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành Giáo dục Hà Nội trong 5 năm qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhớ lại: Năm 2011, Hà Nội tuy là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý sau 3 năm hợp nhất đã từng bước ổn định về cơ cấu và số lượng. Tuy nhiên, khi đó, so với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, đội ngũ nhà giáo Hà Nội đã bộc lộ một số hạn chế. Đáng chú ý là chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa đồng đều giữa các trường thuộc khu vực nội thành và ngoại thành. Ở các ngành học, cấp học còn tồn tại tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó, ở cấp mầm non còn 230 người, THCS còn 48 người. Những hạn chế này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Kế hoạch số 111/KH-UB của UBND TP Hà Nội được ban hành đã đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của ngành lúc bấy giờ, là cơ sở pháp lý để ngành nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo nền tảng để ngành Giáo dục Hà Nội phát triển.
Sau 5 năm triển khai, ngành Giáo dục Thủ đô đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch 111/KH-UB. Điểm nhấn trong việc triển khai kế hoạch này là nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đẩy mạnh, có tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục toàn ngành.
Trong 5 năm qua, toàn ngành đã tuyển dụng gần 35 nghìn giáo viên; điều động, luân chuyển hàng trăm cán bộ, giáo viên, góp phần tạo sự đồng đều về mọi mặt giữa các nhà trường. Tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên giữa các trường cơ bản được giải quyết. Trong công tác quy hoạch, cơ quan quản lý đã đưa 47 người quá tuổi, không bảo đảm về sức khỏe ra khỏi diện quy hoạch; tinh giản biên chế, cho thôi việc 68 người còn hạn chế về năng lực... Với những nỗ lực ấy, đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp tại Hà Nội đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo; tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn ở một số ngành/cấp học cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (như tiểu học là 93%, THCS 79%, mầm non 64%).
Tự học là nhiệm vụ thường xuyên
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời sẵn sàng "đi trước, đón đầu" trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018 - 2019, Hà Nội xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017 - 2022 của toàn ngành là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn. Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội - "cỗ máy cái", nơi đảm nhiệm chính về công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành - đã được thành phố đầu tư 186 tỷ đồng để xây mới trên diện tích hơn 5 nghìn mét vuông.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành Giáo dục luôn coi trọng công tác tham mưu với UBND thành phố để tăng ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Nếu như năm 2016, kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng là 18 tỷ đồng thì tới năm 2017, con số đã là 26 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để những nội dung bồi dưỡng thực sự "ngấm" và phát huy hiệu quả bền vững, mỗi cán bộ, nhà giáo phải xác định tinh thần thường xuyên tự học, tự nghiên cứu. Việc tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng của mỗi nhà giáo không chỉ hướng đến việc cập nhật kiến thức, phát triển năng lực dạy học, mà còn hướng tới mục tiêu hoàn thiện phẩm chất để trở thành những nhà giáo mẫu mực. Để lan tỏa tinh thần này, Hà Nội sẽ phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu trong toàn ngành Giáo dục, biến việc tự học, tự bồi dưỡng trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi cán bộ quản lý và nhà giáo Thủ đô. Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nhiệm vụ đặt ra với công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo hiện nay là rất nặng nề nhưng ngành Giáo dục Hà Nội tin tưởng rằng, với sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của mỗi nhà giáo, toàn ngành sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.