Bài cuối: Chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 26/04/2017
Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc. Ảnh: Nhật Nam |
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Thành ủy Hà Nội xác định, có 5 nhiệm vụ phải tập trung thực hiện trong 3 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ số 1 là phát huy tiềm năng và thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã thể hiện tư duy đổi mới, phấn đấu từ nay đến năm 2020 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Đối với dịch vụ, Hà Nội sẽ tập trung phát triển mạnh các phân ngành, lĩnh vực có thế mạnh, nhất là các dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; một số ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Đến năm 2020, thành phố dự định sẽ đưa 2 trung tâm logistics vào hoạt động. Hà Nội quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin của cả nước. Về nông nghiệp, thành phố sẽ tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn…
Theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh, nhưng Hà Nội vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc; phát triển kinh tế song song và hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội. Đặc biệt, Hà Nội sẽ xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường, tập trung cải tạo, phục hồi các hồ nước, dòng sông, đoạn sông, nguồn nước cạn kiệt, bị ô nhiễm.
Những mục tiêu mà TP Hà Nội đặt ra trong giai đoạn tới nhận được sự đồng tình của đại biểu các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Vũ Hoan bày tỏ tin tưởng, Thủ đô sẽ sử dụng hiệu quả lợi thế về nguồn lực “chất xám” của mình, cũng như tận dụng được sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển.
Gỡ vướng về cơ chế, tạo động lực phát triển
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, bên cạnh việc đánh giá đúng mức những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ 5 nhóm hạn chế, 9 vấn đề còn vướng mắc. Trong số những hạn chế, Hà Nội đã không đạt 5/20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mức tăng trưởng kinh tế thành phố chỉ đạt 20,4%, thấp hơn mức 29% của cả nước. Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập, gây bức xúc trong nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề cơ chế. Trong đó, một số nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô cần được quy định chi tiết đến nay vẫn chưa được ban hành như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là ví dụ. Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ phải “giẫm chân tại chỗ” vì thiếu cơ chế đặc thù. Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi, nếu chỉ cho phép xây cao 9 tầng thì không thể kêu gọi xã hội hóa cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. 120 chung cư cũ trên địa bàn quận không biết đến bao giờ mới có thể cải tạo, nếu không được tháo gỡ về cơ chế.
Để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, thành phố đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị và các cơ quan trung ương 3 nhóm nội dung gồm: 8 vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù; các dự án trọng điểm và 5 nhiệm vụ đặc thù của thành phố. Các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội nhận được sự ủng hộ của đại biểu các cơ quan trung ương. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cho rằng nguồn lực đất đai của Hà Nội rất lớn, nên cần xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố để khai thác nguồn lực này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, Trung ương nên phân cấp mạnh cho Hà Nội. Trong khi đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các đề xuất, kiến nghị của thành phố. Vấn đề là các bộ, ngành phải đồng tình tháo gỡ thì Hà Nội mới có thể phát triển tốt”.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, cùng với quyết tâm phát huy nội lực để phát triển của Hà Nội, thì sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng, phối hợp của bộ, ngành trung ương và các địa phương trên cả nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có như vậy, Hà Nội mới hội đủ điều kiện để thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết 11-NQ/TƯ, phát triển xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.